Multimedia Đọc Báo in

“Bệ đỡ” giúp doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch

07:48, 07/10/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn thì thị trường tiêu dùng nội địa được coi là “nền móng” cơ bản để doanh nghiệp (DN) đứng vững.

Khai thác tốt thị trường nội địa để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt đang là công tác được cơ quan quản lý nhà nước và các DN của tỉnh nỗ lực thực hiện.

Linh hoạt, kịp thời xử lý khâu phân phối

Dịch COVID-19 khiến lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa được cho là giải pháp hữu hiệu mà nhiều DN chú trọng thực hiện. Đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, DN tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm và tìm cách thiết lập hệ thống phân phối để có kênh tiêu thụ hiệu quả.

Gặp khó khăn ở hoạt động xuất khẩu do dịch bệnh, gần hai năm nay Công ty TNHH MTV ANH COFFEE (TP. Buôn Ma Thuột) chăm chút hơn cho thị trường nội địa. Theo ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty, trước đây thị trường chính của công ty là các nước châu Á. Khi hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, đơn vị tập trung vào thị trường trong nước, hướng đến phát triển khâu phân phối ở các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Hà Nội.

Sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (huyện Cư M’gar) chinh phục khách hàng trong nước nhờ hương vị cà phê đặc trưng từ rang củi thủ công, nguyên chất.

Quay về thị trường nội địa, DN có những lợi thế nhất định nhờ sản phẩm bảo đảm các tiêu chí về chất lượng do đã từng phục vụ xuất khẩu. Để kinh doanh hiệu quả ở thị trường này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, DN đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tìm hiểu kỹ về thị hiếu, hành vi tiêu dùng của khách hàng, từ đó cho ra đời các dòng sản phẩm phù hợp theo nhu cầu và sở thích, “gu” của từng đối tượng tiêu dùng khác nhau. Hiện, công ty có 27 dòng cà phê bột và hòa tan phục vụ khách hàng trong nước với các vị như: đen; đen thơm nồng; đậm vị; cà phê tinh chất sen, nhân sâm… Nhờ đó, một lượng lớn sản phẩm của công ty đã tiêu thụ được ở 10 tỉnh thành trong cả nước; bình quân mỗi tháng, DN tiếp cận được 2.000 lượt khách hàng quan tâm và mua hàng.

 

"Khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động xuất khẩu còn nhiều khó khăn thì các DN nên có chiến lược phát triển thị trường nội địa. Việc mở rộng thị trường nội địa sẽ giúp DN tạo được sân nhà vững chắc, nâng cao uy thế của mình hơn”.

 
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương

Chủ động tìm các giải pháp tiêu thụ sản phẩm trước biến động của thị trường, Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (huyện Cư M’gar) đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nội địa, trong đó chú trọng thị trường nội tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng Phòng Marketing của công ty cho hay, thị trường nội địa là hướng đi quan trọng nhất thời điểm này để DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đưa hàng đi tiêu thụ tại các tỉnh thành trong cả nước đã giúp DN phát triển được 10 cửa hàng, đại lý bán lẻ, lượng khách lẻ tăng 150% so với thời gian trước. Đây cũng chính là cơ hội để sản phẩm cà phê rang củi thủ công nguyên chất của công ty tiếp cận người tiêu dùng nội địa, chủ động được thị trường trong thời gian tới. 

Để khai thác tốt thị trường nội địa

Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân được nhiều DN coi là tiềm năng lớn để khai thác. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế thì chọn hướng quay về thị trường nội địa đã giúp DN qua được “cơn khó”, giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, đối với DN của tỉnh, chủ yếu là DN vừa và nhỏ, việc ổn định và phát triển thị trường trong nước là vấn đề quan trọng hàng đầu để DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững trong thời điểm dịch bệnh đang gây ra nhiều thách thức như hiện nay. Riêng với các DN xuất khẩu, nỗ lực phát triển thị trường xuất khẩu phải song hành cùng với việc khai thác tốt thị trường nội địa. Nếu DN chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững. Bởi không phát triển thị trường nội địa thì đến lúc gặp khó khăn trong xuất khẩu, DN sẽ không có chỗ đứng trên sân nhà, đặc biệt là trong xu hướng hội nhập của nền kinh tế.

Thời gian qua, Sở Công thương đã tích cực triển khai, thông tin, hướng dẫn DN của tỉnh tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước từ các chương trình, dự án, đề án của Bộ Công thương. Cụ thể như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xúc tiến thương mại nội địa thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án phát triển thương mại nông thôn…

Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH MTV ANH COFFEE (TP. Buôn Ma Thuột).

Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, để hỗ trợ DN tìm đầu ra cho sản phẩm, ngành công thương tỉnh đẩy mạnh kết nối giao thương trực tuyến, tổ chức cho DN đưa nông sản lên bán tại các sàn thương mại điện tử trong nước như Sendo.vn, Voso.vn, “Gian hàng Việt trực tuyến”… để tiêu thụ nội địa. Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các loại hàng hóa; thông tin thị trường giá cả, nhu cầu; các quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực hàng hóa về bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... để tăng tính cạnh tranh của hàng Việt. Bên cạnh đó, có thông tin định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin, dịch vụ tiêu dùng và đưa ra lựa chọn sản phẩm hợp lý.

Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường nội địa, bên cạnh sự hỗ trợ này, DN cần có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, chú trọng xây dựng nhãn hàng hóa, tạo dựng và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình. Trong đó, cũng cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số để chuyển mình phù hợp trong bối cảnh không thể thực hiện được các giao dịch thương mại trực tiếp như hiện nay…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.