Multimedia Đọc Báo in

Mô hình thảm cỏ che phủ đất: Giải pháp cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp bền vững

08:14, 25/11/2021

Nằm trong Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact), mô hình thảm cỏ che phủ đất đang được xem là giải pháp cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp bền vững tại huyện Krông Năng những năm gần đây. Việc áp dụng mô hình này góp phần không nhỏ thay đổi thói quen canh tác của nông hộ và từng bước loại bỏ hoạt chất Glyphosate trong sản xuất.

Từng bước loại bỏ hoạt chất Glyphosate

Năm 2019 - 2020, chương trình PPI Compact do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH phát triển và tài trợ; đồng tài trợ có Tập đoàn JDE, Dự án VnSAT, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk)... với quy mô 5.200 ha/4.000 hộ dân tại ba xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya. Mục đích của chương trình là xây dựng vùng cảnh quan bền vững dựa trên các mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh; hướng tới hình thành vùng sản xuất nguyên liệu bền vững quy mô lớn (VSA) huyện Krông Năng vào năm 2025 với chỉ tiêu 100% cà phê trên địa bàn huyện sản xuất bền vững, giảm 25% lượng nước tưới, giảm 15% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tăng thu nhập cho nông dân trồng cà phê từ 20 - 30%.

Ông Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) chia sẻ về cách quản lý thảm cỏ tại vườn cà phê của mình.

Xác định việc áp dụng mô hình quản lý thảm cỏ che phủ đất là một trong những yếu tố quan trọng hướng tới phát triển nông nghiệp một cách bền vững, Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng đã triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các đại lý thuốc BVTV và người dân không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate.

6 tháng đầu năm 2021, Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cùng với Simexco Đắk Lắk triển khai 40 mô hình quản lý thảm cỏ che phủ đất (không dùng thuốc diệt cỏ) tại vườn cây của các hộ dân tại 4 xã gồm: Ea Toh, Ea Tân, Dliê Ya và Ea Hồ, với quy mô 0,5 - 1 ha/mô hình. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn cách quản lý thảm cỏ bằng cách không làm sạch cỏ, khi cỏ phát triển cao từ 45 - 50 cm, bà con dùng máy phát cắt để lại gốc từ 5 - 10 cm và phun men vi sinh Trichoderma sau khi cỏ héo để cỏ phân hủy nhanh, sinh ra các chất có lợi cho cây và đất.

Ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, cỏ dại là một trong những tác nhân cạnh tranh dinh dưỡng, nước, ánh sáng với cây trồng trên đất. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc BVTV, cây trồng phát triển khỏe mạnh, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm giúp việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam thuận lợi, đặc biệt là vào thị trường châu Âu.

Thay đổi thói quen sản xuất của nông hộ

Đầu tháng 2/2021, hộ ông Đặng Văn Thiện (thôn Hải Hà, xã Ea Tân) đã mạnh dạn áp dụng mô hình thảm cỏ sinh học trên 1 ha cà phê xen canh các loại cây ăn trái, bước đầu mang lại những hiệu quả rõ rệt. Trước kia, vườn cà phê của gia đình ông sử dụng thuốc hóa học nên sạch cỏ, mùa khô nước bốc hơi nhanh làm đất khô cứng, mất nhiều độ ẩm. Song từ đầu năm nay, nhờ được hướng dẫn quản lý tốt thảm cỏ, mỗi tháng gia đình ông phát cỏ một lần, sau đó dùng chế phẩm sinh học phun lên cỏ đã phát để tạo lớp mùn cho đất. Nhờ vậy, sau gần 1 năm, vườn cà phê của ông thay đổi rõ rệt, cành phát triển mạnh, tán rộng.

Ông chia sẻ, ban đầu ông cũng lo ngại vì lâu nay luôn nghĩ rằng việc diệt cỏ sạch thì đất sẽ màu mỡ, cây tươi tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện phổ biến về lợi ích của cỏ là nhân tố cấu tạo và bồi bổ độ phì nhiêu cho đất, việc diệt thảm cỏ làm mất độ phì đất, sự phát triển của cây giảm nhanh nên ông thay đổi thói quen làm cỏ bấy lâu nay để thực hiện mô hình quản lý thảm cỏ che phủ đất.

Mô hình thảm cỏ che phủ đất tại vườn cà phê của ông Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi, xã DliêYa, huyện Krông Năng).

Ông Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi, xã Dliê Ya) có 6 ha trồng cà phê và sầu riêng, là hộ sản xuất có diện tích khá lớn và kinh nghiệm nhiều năm, ông nhận ra những lợi ích từ việc quản lý cỏ dại khi được giới thiệu. Tháng 5/2021, được Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn, hỗ trợ mô hình quản lý thảm cỏ, ông đã mạnh dạn áp dụng trên rẫy cà phê của mình. Đến nay, sau nửa năm áp dụng, vườn cà phê của gia đình ông phát triển rõ rệt, dự kiến năng suất mùa này tăng nhiều hơn so với năm ngoái.

Theo ông Lê Ký Sự, sau hơn hai năm thực hiện chương trình PPI Compact đã có những kết quả rất tích cực. Đặc biệt, chương trình đã giúp cán bộ quản lý địa phương và nông dân thay đổi nhận thức, hiểu biết về sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm. Dự kiến, trong thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, ban, ngành liên quan tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn huyện, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp huyện Krông Năng xanh và bền vững.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.