Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Doanh nghiệp, hợp tác xã linh hoạt thích ứng với "trạng thái mới"

08:10, 29/12/2021

Hai năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Krông Năng bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các DN, HTX của địa phương đã nỗ lực vượt khó để vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), vừa bảo đảm an toàn trong mùa dịch.

HTX Sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (thôn Giang Minh, xã Ea Púk) có 227 thành viên, sản xuất 360 ha cà phê, tổng sản lượng bình quân hằng năm đạt hơn 1.130 tấn. Sản phẩm của HTX hướng đến là cà phê đặc sản, chất lượng cao, chế biến hạt tươi nên thu hái phải đạt 100% quả chín. Vì vậy, hằng năm vào mùa thu hái, HTX cần lượng nhân công nhiều hơn các nông hộ trên một đơn vị diện tích.

Trước đây, sản phẩm hàng hóa của HTX làm ra đến đâu được thị trường đón nhận đến đó, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát khiến khâu sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm đều gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả vật tư, phân bón tăng cao khiến việc chăm sóc vườn cây của xã viên bị ảnh hưởng.

Xã viên Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi thu hoạch cà phê.

“Cái khó lại ló cái khôn”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Vũ Đức Quân cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, HTX  tuyên truyền cho xã viên thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Mùa vụ thu hái cà phê, HTX khuyến khích xã viên tận dụng nguồn lao động tại địa phương, thực hiện phương châm “1 cung đường 2 điểm đến”; chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, trên website của HTX và trao đổi, mua bán trực tuyến để hoạt động giao thương sản phẩm không bị ngưng trệ. Hằng năm, HTX đều mời chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp về tập huấn giúp xã viên thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng năm nay do dịch bệnh nên chỉ mở các lớp học trực tuyến hoặc tổ chức trực tiếp, nhưng chia nhỏ lớp học...".

 

“Trên địa bàn huyện Krông Năng có 287 HTX, DN đăng ký hoạt động; trong đó có 9 công ty cổ phần, 53 DN tư nhân, 27 công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên, 136 công ty TNHH 1 thành viên và 62 HTX. Với sự chủ động, linh hoạt, nhiều DN, HTX đã vượt khó thành công để duy trì hoạt động SXKD, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giữ ổn định nền kinh tế".

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Minh Châu

Tương tự, năm 2021, Công ty TNHH MTV Macca Vân Dung (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân) cũng đã thích ứng với dịch COVID-19 và đã "chuyển mình" trong SXKD. Trong năm qua, công ty đã thu mua hơn 500 tấn quả mắc ca tươi trên địa bàn huyện, tăng gấp đôi so với năm 2020. Hiện nay, mỗi ngày công ty cung cấp hơn 2 tấn mắc ca qua chế biến ra thị trường. Nhờ SXKD hiệu quả, công ty tạo việc làm thường xuyên cho 36 lao động trong vùng, với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng…

Mặt hàng mắc ca của công ty chủ yếu tiêu thụ ở các thành phố lớn và xuất khẩu đi một số nước, như: Nga, Nhật Bản, nhưng có thời điểm do dịch bệnh khiến cho công ty không xuất hàng đi được. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, công ty đã đầu tư mở rộng thêm kho lạnh từ hơn 1.000 m2 lên hơn 3.000 m2 để bảo quản sản phẩm tươi. Anh Trần Đăng Thọ, Giám đốc công ty cho hay, nhờ có kho lạnh nên hạt mắc ca tươi giữ được lâu và hơn 2 tháng qua khi dịch COVID-19 trong cả nước dần được kiểm soát, các thành phố lớn mở cửa, các đơn hàng tới tấp nập nhưng công ty không bị hụt hàng hay thiếu sản phẩm cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng đã mở rộng thêm kênh bán hàng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, nhằm mở rộng thị trường hướng đến nhiều đối tượng khách hàng thay vì tập trung vào một số nhà phân phối lớn như trước…

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Macca Vân Dung.

Chị K’Sơr Thu Hằng, công nhân sản xuất tại công ty cho hay, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng Ban Giám đốc công ty luôn quan tâm đến đời sống, thu nhập của công nhân lao động. Đa số công nhân đều là người dân địa phương nên công ty đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” hoặc thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”; đồng thời tổ chức sản xuất theo ca, giãn cách để phòng, chống dịch. Đặc biệt, công ty thành lập 1 tổ COVID-19 để thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công nhân thực hiện 5K trong phòng, chống dịch; yêu cầu công nhân không ra khỏi địa bàn trong thời gian dịch bệnh phức tạp.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các DN, HTX trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, không để dịch bệnh xảy ra trong cơ sở sản xuất, DN. Từ đó, tạo điều kiện cho DN, HTX trên địa bàn phát huy tiềm năng lợi thế địa phương, duy trì sản xuất ổn định, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.