Thu ngân sách nhà nước: Chú trọng các giải pháp bền vững
Mặc dù công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 trên địa bàn tỉnh được đánh giá đạt kết quả ấn tượng, tuy nhiên cơ cấu thu chưa thực sự bền vững, còn chênh lệch. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần triển khai các giải pháp mang tính chủ động, quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Cơ cấu thu còn chênh lệch
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường các biện pháp thu NSNN trên địa bàn. Nhờ đó, tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tương đối khá, ước thực hiện hơn 8.150 tỷ đồng, tăng 51,8% so với dự toán Trung ương giao và tăng gần 10% so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Dây chuyền sản xuất bia tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung. Ảnh: Hoàng Gia |
Tuy nhiên cơ cấu tăng, giảm không đều, thu nội địa chỉ đạt 91,8% dự toán HĐND tỉnh giao, trong khi đó số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng đột biến (tăng 530,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 217,3% so với năm 2020).
Riêng đối với nguồn thu nội địa thì thu thuế, phí, lệ phí vượt dự toán HĐND tỉnh giao (tăng 6,2%), còn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu biện pháp tài chính không đạt dự toán giao (lần lượt chỉ đạt 95,1% và 68,2% dự toán).
Phân tích nguồn thu nội địa chưa đạt dự toán, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho rằng: Nguyên nhân là do trong năm có một số chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN của tỉnh. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực KT-XH, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa, làm trì trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; hoạt động xổ số kiến thiết phải tạm dừng để phòng, chống dịch; một số dự án lớn chưa thực hiện được trong năm 2021… làm giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh. Trong khi đó, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng đột biến chủ yếu do phát sinh nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo (điện gió).
Sản xuất thép ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Hoàng Gia |
Chủ động các biện pháp tăng thu
“Giữa bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, cần chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu và phát triển, tạo dựng các nguồn thu theo hướng bền vững". Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr
|
Đánh giá công tác thu NSNN năm 2021 tại Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cho biết: Ước thu NSNN đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng ước thu biện pháp tài chính chưa đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao (chỉ đạt 68,2%, giảm 37,1% so với năm 2020). Sau ba năm liên tiếp tăng thu thì hai năm gần đây số thu nội địa không đạt. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, tạo áp lực rất lớn cho các năm tiếp theo để phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra (đến cuối năm 2025 thu NSNN đạt 12.500 tỷ đồng).
Cùng với đó, nếu thu tiếp tục không đạt sẽ ảnh hưởng đến cân đối cho các dự án đầu tư công. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh thu NSNN, nhất là nguồn thu từ sử dụng đất; chú trọng các giải pháp thu bền vững, đáp ứng nhu cầu cho phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam. Ảnh: Hoàng Gia |
Bàn về các giải pháp tăng thu NSNN năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhận định: Năm 2022 được dự báo là một năm gặp nhiều khó khăn trong công tác thu NSNN. Chính vì vậy, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 với tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn là 8.174 tỷ đồng (tăng 22,6% so với dự toán Trung ương giao và tăng 0,29% so với ước thực hiện năm 2021), UBND tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện công tác thu NSNN ngay từ đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo đôn đốc thu và chống thất thu để kịp thời đề ra các biện pháp chỉ đạo xử lý nợ đọng thuế cũng như xem xét, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh thu biện pháp tài chính và công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc