Làng nghề tất bật vào vụ Tết
Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các làng nghề truyền thống những ngày này thêm tất bật. Cuối năm là thời điểm đắt hàng nhất, nên các cơ sở sản xuất đang tăng tốc, chạy đua để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân.
Làng hoa sẵn hàng chờ thương lái
Những năm gần đây, nghề trồng hoa cảnh tại phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả. Toàn phường có khoảng 100 hộ tham gia trồng hoa với diện tích hơn 5 ha, tập trung ở các tổ dân phố 4, 5, 8, 10, 15. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên làng hoa phường Khánh Xuân kém phần nhộn nhịp, nhưng những ngày này người dân nơi đây cũng đang tất bật chăm sóc tỉ mỉ cho từng gốc hoa với hy vọng bội thu vào dịp Tết Nguyên đán.
Gia đình ông Phạm Ngọc Thảo ở tổ dân phố 8 , phường Khánh Xuân( TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc hoa vụ Tết. |
Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Như Toàn ở tổ dân phố 8 cùng vợ cặm cụi tỉa cành, chăm chút cẩn thận gần 1.000 chậu hoa cúc ngoài đồng để phục vụ cho thị trường Tết. Ông Toàn đã gắn bó với nghề trồng hoa cảnh gần hai chục năm nay. Đây là vụ chính của năm nên mọi công tác chuẩn bị được gia đình đặc biệt quan tâm. Theo ông Toàn, nghề trồng hoa tuy vất vả nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các cây trồng truyền thống khác. Để hoa phát triển tốt, bông to và chắc, gia đình đã thường xuyên bón phân, trừ sâu bệnh và tưới nước liên tục nhằm bảo đảm độ ẩm cho cây. Ngoài ra, ban đêm còn phải bật điện bảo đảm ánh sáng phù hợp để điều chỉnh thời gian cho hoa nở đúng dịp. Bên cạnh trồng hoa phục vụ dịp Tết, năm nay gia đình ông còn chia nhỏ diện tích vườn, xuống giống chậm hơn để phục vụ rằm tháng Giêng.
Tỉ mỉ ngắt từng nụ hoa lép trong vườn, ông Phạm Ngọc Thảo ở tổ dân phố 8 cho biết, năm ngoái gia đình ông xuống gần 2.000 chậu cúc các loại, nhưng năm nay, lo ngại sức mua của người tiêu dùng giảm nên chỉ dám trồng 700 chậu.
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, người nông dân nơi đây vẫn không khỏi thấp thỏm, cầu mong những ngày sắp tới tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt.
Thực phẩm khô hút hàng
Có mặt tại làng nghề sản xuất bún, miến, phở khô truyền thống Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) những ngày này mới cảm nhận rõ hơn không khí lao động tất bật. Hiện toàn phường có trên 60 hộ ở tổ dân phố 1, 3, 6 và 7 sản xuất miến, bún, phở khô quanh năm, và nhộn nhịp nhất là vào khoảng thời gian 2 tháng trước Tết Nguyên đán. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng phần nào đến đầu ra sản phẩm, nhưng những ngày này, các hộ sản xuất ở đây đều phải tăng cường nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng, phục vụ nhu cầu thị trường.
Gia đình anh Hà Văn Tuyến ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) phơi miến chuẩn bị cho đơn hàng Tết. |
Với thâm niên hơn 15 năm trong nghề, anh Hà Văn Tuyến ở tổ dân phố 6 chia sẻ: Những tháng trước, vợ chồng anh làm mỗi ngày chỉ được 3 tạ gạo, cho ra khoảng 2,6 tạ sản phẩm, nhưng những tháng cuối năm anh làm tăng lên 5 tạ gạo/ngày. Ngoài 4 lao động chính, anh còn phải thuê thêm 2 lao động thời vụ và huy động thêm con, cháu tranh thủ đóng gói sản phẩm mới kịp. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng ra đến đâu là hết đến đó. Thời điểm hiện tại có nhiều đơn hàng, nhưng sợ không làm kịp nên gia đình chưa dám nhận thêm.
Tại làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), không khí sản xuất cũng khẩn trương không kém. Trên khắp các nẻo đường làng, đâu đâu cũng thấy màu trắng lấp lóa của những liếp bánh được người dân trải ra phơi. Chị Đinh Thị Thu Linh ở thôn 7 cho biết, làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn có gần 100 hộ sản xuất. Ngày thường cơ sở của chị chỉ làm 2 tạ gạo, nhưng nay phải tăng gấp 3 lần, để cho ra khoảng 30.000 cái bánh. Sản xuất phát triển, gia đình chị đã đầu tư mua sắm máy móc thay thế dần cho cách làm thủ công giúp nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Càng gần Tết, các hộ sản xuất ở làng nghề phải làm việc cật lực. Công việc thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc khi đã quá nửa đêm. Tuy vất vả nhưng mọi người luôn phấn khởi vì đầu ra của sản phẩm ổn định, giá cao hơn ngày thường, hy vọng sẽ có một cái Tết no đủ. Theo chị Linh, thị trường cung ứng các sản phẩm của làng nghề Hòa Nhơn không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác, thậm chí có cơ sở còn đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc