Multimedia Đọc Báo in

Sắc màu sáng tươi trên cánh đồng hợp tác

17:46, 01/01/2022

Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl) là một trong những điểm sáng trong phát triển sản xuất của huyện Ea Kar về chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và thích ứng nhanh với quá trình vận động của thị trường nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định.

Nhà nhà thóc lúa vàng sân

Khoảnh sân rộng trước nhà của vợ chồng chị Phạm Thị Chinh (dân tộc Mường, ở thôn 1B, xã Ea Ô), thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (gọi tắt là HTX) ánh lên một màu vàng óng của lúa. Với chiếc máy đa năng được vợ chồng chị sử dụng thành thạo, các công đoạn phơi phóng, thu gom, đóng lúa vào bao trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn hẳn so với khi sử dụng các dụng cụ thô sơ, mất nhiều thời gian, công lao động như trước. Chỉ vào 2 chiếc máy cày đất, 1 máy gặt, 1 máy đa năng, chị Chinh phấn khởi: “Năm nay dịch bệnh, ai cũng khó khăn mà nông dân trồng lúa như chúng tôi lại có tiền mua thêm máy móc là nhờ HTX, nhờ cây lúa, cây khoai cả”.

Chỉ sau 11 năm vào “ngôi nhà chung” của HTX, được hỗ trợ giống, kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi sang 2 vụ lúa, 1 vụ khoai, kết nối đầu ra ổn định đã giúp gia đình chị Chinh có của ăn của để. Ngoài 4,7 sào đất được HTX giao khoán, vợ chồng chị tích góp, mua thêm ruộng, nâng tổng diện tích lên 6 ha. Mỗi năm trồng lúa, sản lượng thu được trên 110 tấn, năm trồng khoai thì đạt 30 tấn/ha, trừ chi phí còn thu về trên 500 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Phạm Thị Chinh (thôn 1B, xã Ea Ô), thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp 714 thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, bảo quản lúa.

Thôn 1B có 110 hộ thì 90% số hộ đã nhận khoán hoặc liên kết sản xuất với HTX. Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 1B Lường Văn Lâm, mấy năm trở lại đây, đời sống của người dân trong thôn nâng lên rõ rệt, các hộ đều xây dựng, sửa chữa nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học chu toàn, mua sắm các phương tiện phục vụ đời sống, sản xuất, nhiều hộ có cả ô tô. Mọi khâu trồng lúa đều được cơ giới hóa, lúa đạt năng suất cao, từ 8 - 10 tạ/sào. Năm nay giá bán lúa cao, đạt 8.300 đồng/kg, thương lái thu mua tận nơi, nông dân rất phấn khởi.

Nhạy bén chuyển đổi sản xuất

HTX Nông nghiệp 714 hiện có 5 đội sản xuất với 30 thành viên, tổng diện tích sản xuất 690 ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 587 lao động nhận khoán thuộc huyện Ea Kar và Krông Pắc.

Nhận định tình hình sản xuất ngày càng khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả nông sản bấp bênh, đặc biệt là dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa lâu năm sang trồng khoai lang Nhật nhằm luân canh cây trồng, cắt mầm mống sâu bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Chủ trương “2 vụ lúa, 1 vụ khoai” đã đem lại thành công cho HTX. Lợi nhuận trồng khoai cao, dao động từ 60 - 100 triệu đồng/ha/vụ, giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn và có vốn đầu tư tái sản xuất.

Hệ thống nhà kho, lò sấy công nghệ cao không đảo của Hợp tác xã Nông nghiệp 714.
 
HTX Nông nghiệp 714 là đơn vị dẫn đầu của huyện trong phát triển kinh tế tập thể, chuyển đổi cây trồng và tổ chức sản xuất hiệu quả. HTX đã chủ động vượt qua những khó khăn của dịch bệnh COVID-19, đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất của huyện, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo 714.
 
 Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền

Cùng với chuyển đổi cây trồng, HTX đã chú trọng liên kết với các đơn vị sản xuất giống nhằm phát triển và đưa các giống lúa xác nhận có chất lượng cao như: ST24, ST25, Đài thơm 8, RVT... vào sản xuất, đạt năng suất trung bình 8 tấn/ha/vụ, giá bán cao. HTX đã đầu tư kiên cố hóa kênh mương, tổ chức vận hành hiệu quả 4 trạm bơm, 7 tổ máy, bảo đảm điều tiết đủ nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, HTX định hướng cho các thành viên và hộ liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 32 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ organic.

Để chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho thành viên và các hộ liên kết, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, phát triển sâu rộng các mô hình sản xuất theo hình thức “3 giảm, 3 tăng”, “4 đúng”; liên kết tổ chức phun thuốc tập trung bằng máy bay. Đồng thời, HTX đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, kho sấy lạnh, máy xay xát liên hoàn, máy sấy không đảo công nghệ cao giúp tiết kiệm nhân công, chi phí và giải quyết được bài toán bảo quản sau thu hoạch.

Ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 714 cho biết: "Cùng với đẩy mạnh, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ngay từ đầu năm, HTX chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các thương lái ở tỉnh Bến Tre, Long An. Nhờ vậy, trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh COVID-19, HTX vẫn bảo đảm “đầu ra” cho sản phẩm".

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.