Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột định vị dần đô thị thương mại

14:56, 23/01/2022

Nhiều người từng đặt câu hỏi: Với dáng dấp kinh tế thương mại hiện hữu song chưa thoát được những cảnh "chợ chiều" Tân An, Tân Hòa, thì tầm nhìn đô thị thương mại trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030 của TP. Buôn Ma Thuột sẽ được đặt ở đâu? Câu hỏi này đã luôn là nỗi trăn trở của những người dân phố núi, cho đến một ngày Buôn Ma Thuột xuất hiện những khu đô thị mới...

Từ những ngôi chợ cũ...

Trong mắt những người đã nhiều năm sống ở Buôn Ma Thuột như ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Cafe G20, bóng dáng kinh doanh thương mại của thành phố cao nguyên này thật ra rất mờ nhạt. Trong quá khứ, đó chỉ là câu chuyện Sở Thương nghiệp sau thời kỳ giải phóng đóng vai trò đầu mối xuất khẩu lượng lớn lâm đặc sản sang Lào, rồi tập tành đưa hàng thổ sản về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Cà phê là món hàng được giá nhất của TP. Buôn Ma Thuột khi đặt vào danh mục hàng hóa bán đi tứ xứ năm châu. Còn lại, từ bơ, sầu riêng đến rau củ và các loại nông sản khác nơi đây hầu hết vẫn chỉ là những thức hàng bán lẻ mỗi ngày.

Các nhà đầu tư thương mại thị sát công trường nhà phố thương mại ở khu đô thị Ân Phú. 

Nhiều doanh nghiệp vùng đất đỏ này cho rằng, tỉnh Đắk Lắk với TP. Buôn Ma Thuột hình như chưa “truyền thông” đúng mức, để người ta biết đến nhiều hơn. Đây là một sự thật có lẽ làm nhiều người phật ý, nhưng khó chối cãi.

Thực tế cho thấy, TP. Buôn Ma Thuột với hệ thống các chợ, trung tâm thương mại còn chưa phát triển kịp thời đại. Chợ đầu mối Tân Hòa đến nay vẫn chưa tạo được sức hút hàng hóa nông sản như mong muốn, còn những chợ Phan Chu Trinh, Tân An, chợ trung tâm thành phố thực sự đều bị giới hạn không gian chật hẹp làm cho sức bật thương mại bị hạn chế. Diện mạo thương mại Buôn Ma Thuột theo đó khó rõ nét!

Đến tầm nhìn những con phố mới

Trong một ngày cuối đông Tân Sửu, ông Quang kéo nhóm bạn lưu niên đi qua đường vành đai, ghé nhìn “hai con voi biểu tượng” ở khu đô thị mới Eco City Premier và dãy nhà phố thương mại liền kề cao tầng xếp hàng. Cư dân tại đây đã quen trải nghiệm hình ảnh một đô thị mở về tương lai nơi đây, khi các phố kinh doanh lên đèn trong một ngày gần, và các trục giao thông logistics đưa hàng hóa bắc nam ngược xuôi Buôn Ma Thuột từ vị trí này...

Kề bên Eco, khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập) cũng đang lộ dáng vẻ phong quang khi dãy nhà phố liền kề đầu tiên đang được xây dựng. Với 7 dãy phố, 182 căn shophouse sẽ mọc lên dọc trục giao thông huyết mạch nối từ trung tâm Buôn Ma Thuột về huyện Cư M’gar, về thị trấn Quảng Phú, khu đô thị này hứa hẹn là cơ hội cho các nhà đầu tư thương mại muốn có mặt bằng kinh doanh hợp lý hơn. Ông Đoàn Tấn Ninh, Phó Ban quản lý dự án Khu đô thị này chia sẻ, các dãy phố liền kề thương mại ở đây đều được thiết kế hiện đại, chất lượng xây dựng tốt và quan trọng là sẽ hướng đến vị thế tụ điểm thương mại hiện đại của người dân Buôn Ma Thuột.

Phối cảnh phố thương mại liền kề, khu đô thị Ân Phú Buôn Ma Thuột.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, gắn với phát triển các thành phần kinh tế của thành phố để xúc tiến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh; từng bước hình thành các khu đô thị mới, nghiên cứu xây dựng một số khu đô thị mới theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp các tiêu chí đô thị loại I và triển khai đầu tư hạ tầng các khu dân cư gắn với phát triển quỹ đất. Rõ ràng những hoạch định đầu tư, thu hút xây dựng các khu đô thị mới của TP. Buôn Ma Thuột đang đi đúng hướng này.

Một khi những khu phố thương mại ở các đô thị mới trở thành điểm đến của các đơn hàng kinh doanh gần xa, chắc chắn một diện mạo khác biệt của TP. Buôn Ma Thuột sẽ sáng tỏ. Người ta sẽ chuyển dần hình ảnh những khu chợ nhỏ hẹp ngày nào sang những con đường hàng hóa thông thương thuận lợi hơn, những khu trung tâm mua sắm đầy đặc sản, và từng bước tạo nên một hình ảnh thành phố thương mại mới ở vùng cao nguyên.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.