Vùng rau ven đô những ngày giáp Tết
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, người trồng rau vùng ven đô Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) đang tất bật chăm sóc, thu hái rau phục vụ thị trường, với hy vọng đón một cái Tết sung túc.
Hòa Khánh được biết đến là một trong những vựa rau lớn của TP. Buôn Ma Thuột, nơi cung cấp các loại rau sạch cho địa phương và nhiều vùng khác. Trên địa bàn xã hiện có 260 ha đất trồng rau với khoảng 50 loại rau củ quả các loại, tập trung chủ yếu tại các thôn 4, 6, 9, 10 và thôn 11. Rau ở đây trồng quanh năm nhưng đến vụ Tết là nhu cầu tiêu thụ trên thị trường rất lớn nên bà con ai cũng mong chờ. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại rau cũng như nhận định nhu cầu thị trường trước, trong hay sau Tết mà bà con chọn thời điểm xuống giống phù hợp.
Vườn đậu cô ve của ông Bùi Văn Lan (thôn 11, xã Hoà Khánh) đã đến thời điểm thu hoạch. Ảnh: M.Chi |
Những ngày giáp Tết luôn là thời điểm bận rộn nhất tại vườn rau của ông Đinh Phú Hải (thôn 6, xã Hòa Khánh), bởi ông vừa phải theo dõi diễn biến thời tiết từng ngày để chăm sóc rau phù hợp và bám sát tình hình thị trường để cắt rau. Vụ Tết năm nay, gia đình ông trồng hơn 1.200 m2 rau các loại trong nhà màng để phục vụ thị trường. Theo ông Hải, rau trồng trong nhà màng tuy có thời gian phát triển chậm hơn trồng ngoài trời nhưng đổi lại, giá bán cao vì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời điểm giáp Tết, rau xà lách trồng trong nhà màng của gia đình ông đã bắt đầu cho thu hoạch, cung cấp cho các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, lứa rau này, ông còn trồng các loại rau khác ngoài trời như mồng tơi, súp lơ, rau thơm các loại... để phục vụ nhu cầu dịp Tết của người tiêu dùng nội tỉnh. Dự kiến, từ nay tới Tết, mỗi ngày ông cung ứng ra thị trường hơn 2 tạ rau các loại. Với thâm niên trồng rau hơn 7 năm nay, ông Hải đánh giá, rau vụ Tết năm nay được mùa bởi thời tiết thuận lợi, có nắng ấm, cây rau phát triển tốt và ít bị sâu bệnh. Một năm dịch bệnh COVID-19 phức tạp khiến giá rau thất thường nên ông hy vọng vụ rau Tết này sẽ có giá tốt, cho thu nhập cao nhất trong năm.
Để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 12 âm lịch, gia đình bà Trần Thị Lâm (thôn 3, xã Hòa Khánh) đã rục rịch làm đất, xuống giống các loại rau. Bà cho biết, đặc điểm của nghề trồng rau là giá cả lên xuống thất thường, nhiều người dân trồng cùng một loại rau nên rất dễ lâm vào tình cảnh giá thấp, thậm chí không thể tiêu thụ hết. Do đó, bà Lâm đã có cách tính toán riêng, lựa chọn trồng một số loại rau có khả năng tiêu thụ mạnh trên thị trường tùy từng thời điểm. Với diện tích 1.000 m2, vụ Tết năm nay, bà chủ yếu trồng các loại rau như: cải ngọt, cải thìa... vì rau cải vừa dễ trồng, vừa phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Dự kiến, lứa rau này, bà sẽ bán ra thị trường khoảng 2 tấn rau các loại. Rau của gia đình bà được thương lái đến thu mua tại vườn để xuất đi Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và TP. Hồ Chí Minh. Nếu thị trường Tết ổn định như những năm trước thì giá rau đạt 15 - 20 nghìn đồng/kg.
Người dân xã Hoà Khánh, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch rau. Ảnh: M.Chi |
Ông Trương Thành Long, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Khánh cho biết, nghề trồng rau ở địa phương đã phát triển từ nhiều năm nay, nhưng đến nay bà con vẫn còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống. Năm 2021, giá cả có thời điểm cao thấp khác nhau nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số hộ bỏ vườn, giảm diện tích trồng nên cơ bản giá rau cao hơn những năm trước. Vụ rau Tết, hầu hết các vườn của bà con đạt năng suất cao, nếu thị trường tiêu thụ mạnh, giá tốt thì lứa rau này sẽ mang lại nhiều hy vọng cho người trồng rau. Hiện địa phương đã tập hợp 5 hộ dân để sản xuất 6 ha rau (40 sản phẩm các loại) theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, xã Hòa Khánh sẽ khuyến khích, hỗ trợ bà con làm nhà lưới, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng rau và tăng thu nhập cho nông dân.
Minh Chi - Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc