Multimedia Đọc Báo in

Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Cư Kuin

08:02, 16/03/2022

Huyện Cư Kuin hiện có 15.000 đoàn viên thanh niên sinh hoạt tại 20 cơ sở đoàn trực thuộc. Trong những năm qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được tuổi trẻ huyện Cư Kuin tích cực hưởng ứng, ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên dám nghĩ, dám làm, trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của địa phương.

Để giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, Huyện Đoàn Cư Kuin đã triển khai phong trào “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” với nhiều hoạt động thiết thực như: Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; tạo điều kiện giúp thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế…

Trong năm 2021, Huyện Đoàn Cư Kuin đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 63 tỷ đồng cho đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, toàn huyện có 17 mô hình kinh tế do đoàn viên, thanh niên làm chủ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

 Anh Đức (bên phải) có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi dê vỗ béo.

Tiêu biểu như mô hình nuôi dê vỗ béo của anh Trần Huy Đức (ở thôn 19, xã Ea Ktur). Sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi đa số đoàn viên, thanh niên trong xã đều đi làm ăn xa thì anh Đức chọn hướng đi là ở lại địa phương, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tham gia hoạt động Đoàn. Năm 2018, qua tìm hiểu nhận thấy mô hình nuôi dê vỗ béo nhanh cho thu nhập ổn định, anh Đức quyết định đầu tư chăn nuôi dê. Từ 35 con dê ban đầu, đến nay anh đã mở rộng quy mô chăn nuôi với gần 100 con. Dê nuôi được 4 tháng là xuất chuồng và được thương lái thu mua tại nhà với giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg. Ngoài nuôi dê, anh Đức còn canh tác 5 sào hồ tiêu; mỗi năm anh có thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Mô hình nuôi trùn quế của gia đình anh Phạm Văn Tuấn (ở thôn 8, xã Ea Ning) cũng được nhiều đoàn viên thanh niên địa phương đến tham quan, học tập. Cách đây 4 năm, anh Tuấn tìm hiểu và nhận thấy mô hình nuôi trùn quế mang lại hiệu quả cao, anh đã học hỏi rồi áp dụng làm theo với diện tích nuôi 300 m2, tổng kinh phí đầu tư 100 triệu đồng. Sau một thời gian nuôi, anh Tuấn thấy nuôi trùn quế tương đối dễ, chỉ cần đảm bảo nguồn thức ăn thì trùn phát triển rất nhanh, ít có dịch bệnh, khả năng rủi ro thấp. Bình quân sau 3 tháng nuôi anh Tuấn cung cấp ra thị trường từ 1 - 1,5 tạ trùn thịt với giá bán gần 120.000 đồng/kg, 12 tấn phân trùn quế với giá bán 5.000 đồng/kg dạng bột và 20.000 - 25.000 đồng/kg dạng viên để làm phân bón cho cây trồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng nguồn phân trùn chăm bón cho 5 sào hồ tiêu, vừa giảm được chi phí đầu tư phân bón, vừa giúp vườn hồ tiêu sinh trưởng, phát triển khỏe, giúp gia đình anh có thêm nguồn thu 300 triệu đồng/năm từ hồ tiêu.

Ngoài bán trùn thịt, anh Phạm Văn Tuấn (giữa) còn bán phân trùn với dạng bột và dạng viên.

Anh Y Siêr M’Đrăng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư Kuin nhận xét: “Mô hình kinh tế của anh Trần Huy Đức và Phạm Văn Tuấn là hai mô hình phát triển kinh tế điển hình của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất; tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham quan, học tập để áp dụng vào phát triển kinh tế của gia đình. Đồng thời, tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên tiếp cận các nguồn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên quê hương”.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.