Phát triển kinh tế tập thể ở huyện Ea Kar: Bệ phóng” từ chính sách
Với những định hướng và chính sách ưu đãi cụ thể của Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", huyện Ea Kar đã cụ thể hóa trong triển khai thực hiện, tạo “bệ phóng” thúc đẩy kinh tế tập thể trên địa bàn phát triển.
Nhiều ưu đãi từ cơ chế, chính sách
Xác định kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, huyện Ea Kar đã tập trung xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX. Một số HTX đã được tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất để xây dựng trụ sở, sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích trên 3.800 ha; hỗ trợ trên 3,4 tỷ đồng tưới tiêu cho cây lúa nước và cà phê. Huyện cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các HTX, tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến sản phẩm, tổ chức sản xuất hiệu quả.
Để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, huyện Ea Kar và xã Cư Huê đã tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, vận động thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa với 25 thành viên. Huyện cũng đã hỗ trợ máy vắt sổ, máy cuốn tơ, máy may, khung dệt các loại cho tổ hợp tác. Bà Amí Toàn, thành viên của tổ cho biết, được học nghề và hỗ trợ máy móc, chị em đã quay lại với nghề dệt thổ cẩm. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị em trong buôn đã nhận dệt các tấm thổ cẩm, tổ hợp tác mua lại, may thành nhiều sản phẩm như quần áo, váy, tấm chăn, túi xách... trưng bày tại nhà dài và giới thiệu mẫu mã qua mạng xã hội để tìm kiếm đầu ra, tăng thu nhập cho các thành viên.
Thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa (xã Cư Huê) truyền dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Chuyền
|
Thực hiện chương trình phát triển kinh tế tập thể gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số HTX trên địa bàn đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đơn cử như HTX Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl) đã được giải ngân hơn 1 tỷ đồng sửa chữa trạm bơm điện, nâng cấp tuyến kênh trạm bơm tưới cho 298 ha lúa nước. Theo ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, việc hỗ trợ kinh phí đã giúp HTX kiên cố hóa hệ thống kênh mương, tổ chức vận hành hiệu quả 4 trạm bơm, 7 tổ máy, bảo đảm điều tiết đủ nước tưới cho trên 600 ha cây trồng của các thành viên và hộ liên kết, nhất là trong mùa khô. Đồng thời, HTX còn được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống máy xay xát liên hoàn, máy sấy không đảo công nghệ cao với công suất sấy 25 tấn lúa/mẻ giúp tiết kiệm nhân công, chi phí và giải quyết được bài toán bảo quản sau sau thu hoạch.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương
Thực hiện Nghị quyết số 13, đến năm 2021, huyện Ea Kar đã thành lập được 19 tổ hợp tác với 493 tổ viên, 3 câu lạc bộ khuyến nông, 51 HTX với 4.342 thành viên. Các tổ hợp tác, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, tín dụng, công nghiệp, dịch vụ, thương mại và nghề truyền thống; doanh thu bình quân hằng năm từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng/năm.
Nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như: HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar đã đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến bột ca cao nguyên chất với kinh phí gần 1 tỷ đồng, áp dụng quy trình lên men hạt ca cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản; HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút) đầu tư máy móc, kho lạnh bảo quản, chế biến trái cây với kinh phí trên 2 tỷ đồng; HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tih) tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nhãn Hương chi theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mẫu mã, bao bì, tem nhãn và đăng ký nhãn hiệu tập thể; HTX Nông nghiệp 714 tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 30 ha và liên kết sản xuất 170 ha giống lúa nguyên chủng và xác nhận đối với giống lúa ST 24 và ST 25, tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo 714”...
Lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl) kiểm tra hệ thống thủy lợi điều tiết nước tưới cho cây trồng. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền đánh giá, kinh tế tập thể phát triển đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao giá trị đầu ra của sản phẩm, hoàn thiện các tiêu chí liên quan trong xây dựng nông thôn mới. Bộ máy quản lý của HTX ngày càng được hoàn thiện, nhạy bén hơn trong việc định hướng hoạt động, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường, năng động hơn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc