Ẩn họa vùng hạ du nhà máy thủy điện
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục công trình thủy điện lớn, nhỏ. Việc vận hành, điều tiết của các công trình tác động trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ du. Điều này tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường khi thủy điện chạy máy hay xả nước điều tiết lũ.\
Đã từng xảy ra nhiều sự việc đau lòng đối với người dân vùng hạ du các công trình thủy điện.
Đơn cử như sự việc ngày 16/3/2018, chị H’Yam Niê (thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) và chị H’Duin Niê (buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cùng đi hái rau rừng bên bờ sông Sêrêpốk thuộc hạ du Nhà máy thủy điện Đray H’linh 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), đúng ngay lúc này, nhà máy thủy điện bất ngờ xả nước chạy máy nên cả hai bị nước cuốn trôi.
Đến ngày hôm sau, thi thể hai nạn nhân mới được tìm thấy. Sự việc này là cảnh báo về những tai họa luôn có nguy cơ xảy ra phía sau các nhà máy thủy điện.
Khu vực Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah và vùng hạ du. |
Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp có công suất 280 MW, vùng hạ du thuộc địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Ana, Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), huyện Krông Nô, Cư Jút (tỉnh Đắk Nông).
Dọc đoạn sông sau nhà máy có nhiều người dân sinh sống, canh tác. Đặc biệt, hoạt động đánh cá trên sông Sêrêpốk thường xuyên diễn ra, nhất là khu vực sông ngay sau đường xả của nhà máy có khoảng 10 hộ dân dựng nhà để ở, đánh cá. Khi nhà máy dừng phát điện, các thuyền đánh cá lập tức hoạt động. Đơn vị phải dùng còi hú, huy động bảo vệ và lực lượng điều hành viên cảnh báo, yêu cầu người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, sau đập tràn có nhiều thác du lịch như: Gia Long, Trinh Nữ, Dray Sáp, Dray Nur, vào mùa khô có nhiều du khách đến tham quan. Anh Lê Duy Kiên, Trưởng ca vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp cho biết, hồ chứa công trình hoạt động điều tiết theo ngày (lưu lượng nước về cao hơn mực nước dâng bình thường bao nhiêu thì xả bấy nhiêu), nhà máy vận hành phát điện theo lệnh điều độ của cấp trên, không báo trước nên việc chạy máy không cố định, luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, du khách đang ở trên sông phía hạ du.
Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền, công an địa phương để tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn khi nhà máy vận hành hoặc xả lũ, xả điều tiết.
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý vận hành 3 nhà máy trên sông Sêrêpốk, dọc hai bờ đoạn sông dài khoảng 60 km, người dân mở nhiều bến nước để tắm giặt. Vào mùa khô, trẻ em trong vùng thường xuyên xuống sông tắm. Điều này làm tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường khi thủy điện khởi động chạy máy hay xả nước điều tiết lũ.
Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc công ty cho biết, để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du, công ty luôn tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, thường xuyên cập nhật bản đồ ngập lụt và tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã lắp đặt tổng cộng 22 trạm cảnh báo lũ tự động dọc theo vùng hạ lưu. Nhờ đó, công tác an toàn cho vùng hạ du được bảo đảm, chưa xảy ra nguy hiểm đối với tính mạng người dân. Đơn vị tuyệt đối không chủ quan, nhưng rất cần sự phối hợp của người dân, chính quyền địa phương trong công tác này để không có những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cán bộ Công ty Thủy điện Buôn Kuốp kiểm ra khu vực sau đập tràn hồ Buôn Kuốp, nơi thường xuyên có người dân đến câu cá, tắm sông. |
Trên địa bàn tỉnh có 24 công trình thủy điện đang hoạt động, với tổng công suất 958 MW, trong đó có 17 công trình thủy điện có đập, hồ chứa. Vừa qua, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các chủ đập, đơn vị quản lý vận hành hồ thủy điện tăng cường công tác phòng, chống đuối nước.
Theo đó, các chủ hồ, đơn vị quản lý hồ thủy điện rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các khu vực nước sâu, nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại công trình hồ chứa thủy điện quản lý; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới…); thường xuyên tuần tra, giám sát, nhắc nhở kịp thời khi có hiện tượng tiếp cận các khu vực nguy hiểm dễ xảy ra đuối nước để bảo đảm an toàn vận hành công trình và tính mạng của người dân.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc