Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập ổn định nhờ nuôi thỏ

09:01, 28/06/2022

Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được các cấp Hội Nông dân huyện Krông Năng triển khai rộng rãi đến từng hội viên. Qua đó, nhiều hội viên nông dân ở xã Ea Tam đã mạnh dạn đưa giống thỏ New Zealand vào chăn nuôi, đem lại thu nhập ổn định.

Khu vực nuôi thỏ của gia đình anh Ngôn Văn Thoan (SN 1987, trú thôn Tam Thanh) được xây dựng hiện đại, lồng nuôi sắp xếp khoa học, chia thành các phân khu khác nhau: chuồng nuôi thỏ bố mẹ, chuồng nuôi thỏ hậu bị, chuồng nuôi thỏ con vừa tách mẹ.

Anh Thoan cho biết: "Một lần tình cờ xem tivi về mô hình nuôi giống thỏ New Zealand đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi mua 10 con thỏ mẹ về nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian ngắn chăm sóc, thấy giống thỏ này có nhiều ưu điểm như: dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ đẻ con và nuôi sống cao, cần ít vốn lại có giá trị kinh tế cao...".

Mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Ngôn Văn Thoan. 

Từ những kiến thức có được, cuối năm 2019, anh Thoan quyết định tập trung vốn mua hơn 100 con thỏ về nuôi. Đến nay, đàn thỏ của gia đình anh đã lên tới hơn 200 con, trong đó có 25 con thỏ sinh sản. Trung bình mỗi tháng anh Thoan xuất bán 4 tạ thỏ thương phẩm. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và các địa bàn lân cận. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Thoan còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ, cung cấp con giống cho những ai có nhu cầu. Anh Thoan cho hay: “Với giá thỏ thương phẩm dao động từ 70 - 75 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình tôi thu lãi trung bình từ 10 - 15 triệu đồng. So với nuôi lợn, gà thì nuôi thỏ lãi hơn nhiều vì không mất nhiều chi phí thức ăn, có thể tận dụng các loại rau, cỏ sẵn có trong tự nhiên…".

 

"Ngày 16/6/2022, Hội Nông dân xã Ea Tam ra mắt Tổ hội nghề nghiệp nuôi thỏ với 14 thành viên, do anh Ngôn Văn Thoan làm Tổ trưởng, nhằm mục đích tạo mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi, giúp đỡ nhau về con giống và kỹ thuật; phát triển nuôi thỏ theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho hội viên" - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam (huyện Krông Năng) La Bế Thủy Trang.

Tương tự, cũng trong năm 2019, trong một lần tham quan mô hình nuôi thỏ New Zealand của một nông dân tại địa phương, anh Hoàng Văn Lẹo (SN 1978, trú thôn Tam Thanh) nhận thấy mô hình này vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao nên quyết định đầu tư gần 50 triệu đồng để nuôi thử nghiệm 50 con thỏ. Thời gian đầu, do anh chưa nắm vững kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc phù hợp nên thỏ bị bệnh, chết nhiều. Không nản lòng, anh Lẹo vào mạng Internet học hỏi thêm kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân các cấp tổ chức, qua đó nắm được kinh nghiệm làm chuồng trại theo đúng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh, cách phòng chữa bệnh cho thỏ đúng cách. Đến nay, mô hình nuôi thỏ của gia đình anh có trên 100 con, trong đó có 20 con thỏ giống.

Thỏ nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm thỏ cái sinh từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa khoảng 6 - 7 con. Còn với thỏ thương phẩm, sau 3 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 2,5 kg là có thể xuất bán. Trung bình mỗi tháng, từ bán thỏ thương phẩm và thỏ giống mang lại thu nhập cho gia đình anh Lẹo hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. "Nuôi thỏ New Zealand rất thuận lợi cho bà con nông dân nhờ đặc tính ăn tạp, ít dịch bệnh hơn giống thỏ nội địa. Thức ăn trong tự nhiên có sẵn, chỉ tốn kém chi phí ban đầu mua giống nhưng hiện nay tôi có thể tự nuôi thỏ sinh sản", anh Lẹo cho hay.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Hoàng Văn Lẹo (bìa phải).

Xã Ea Tam hiện có khoảng 2.500 hộ dân, với hơn 11 nghìn khẩu, 21 dân tộc cùng sinh sống; trong đó trên 85% là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam La Bế Thủy Trang khẳng định: “Nuôi thỏ là một nghề mới, có thể tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Mô hình chăn nuôi thỏ cũng đang mở ra triển vọng phát triển thành một ngành chăn nuôi hàng hóa trong thời gian tới”.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.