Hạ tầng giao thông “đi trước, mở đường” (Kỳ 2)
Kỳ 2: Xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên
Với vị trí là trung tâm vùng Tây Nguyên, phương thức vận tải chủ yếu là vận tải đường bộ và đường hàng không; ngoài vai trò về chính trị và kinh tế, Đắk Lắk còn là một đầu mối giao thông quan trọng của cả khu vực.
Tập trung nguồn lực cho giao thông đối ngoại
Hệ thống mạng lưới quốc lộ (giao thông đối ngoại) qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk gồm 7 tuyến, chiều dài đang khai thác là 678 km, bao gồm: đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 19C và đường Trường Sơn Đông. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế: một số tuyến đường, cầu đã bị xuống cấp, quy mô nhỏ, hẹp chưa đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới giao thông liên kết vùng còn thiếu và yếu. Do đó, mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 xác định rõ: phát triển hệ thống giao thông theo hướng hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, kết nối các tỉnh vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ theo trục Bắc – Nam, với khu vực Duyên hải miền Trung qua hành lang kinh tế Đông – Tây.
Đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo. |
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, để giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên cần tập trung vào 2 loại hình giao thông chính là đường bộ và đường hàng không, bởi hiện nay vùng chưa có đường sắt, không có cảng biển, đường thủy nội địa không phải là thế mạnh.
Trong đó, xác định rõ đường bộ phải kết nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ bằng tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; kêu gọi đầu tư tuyến từ Gia Nghĩa – Chơn Thành – Bình Phước – TP. Hồ Chí Minh theo hình thức BOT… Về hàng không, nâng cấp các Cảng Hàng không Pleiku (tỉnh Gia Lai), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng). Đồng thời tiến hành nghiên cứu các tuyến kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ như tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, tuyến cao tốc kết nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Nam…
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và được xác định là một cực phát triển của khu vực này. Đây cũng là điều kiện để tỉnh Đắk Lắk mở rộng cơ hội kết nối kinh tế, hợp tác đầu tư với các địa phương trong và ngoài nước.
Do đó, ngoài tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư các tuyến cao tốc kết nối tỉnh, cũng như các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh trong vùng, khu vực và tỉnh đầu tàu phát triển cả nước.
Cụ thể, quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk; tuyến Quốc lộ 29 nối tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Phú Yên; xem xét, bổ sung tuyến đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột vào quy hoạch đường sắt quốc gia; hỗ trợ Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế.
Hiện thực hóa tuyến cao tốc nối rừng với biển
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 16/6/2022 là tiền đề quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Công trình có tổng chiều dài 117,5 km, điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 22.000 tỷ đồng. Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc đánh thức và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Tây Nguyên và kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát hướng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhân chuyến làm việc tại tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 7/2022. |
Đầu tháng 7 vừa qua, trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi khảo sát tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Sau khi nghe báo cáo tổng thể về Dự án, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần "làm ngày làm đêm". Dự án cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng (GPMB).
Để chuẩn bị tốt các bước triển khai dự án này, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, ngày 19/5/2022 về việc bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia dự án. Cụ thể, tỉnh bố trí 50% chi phí GPMB các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với số vốn là 916,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Mới đây, trong buổi khảo sát các vị trí tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan phải đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu để đáp ứng việc thi công Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Đồng thời, hoàn thành việc cắm mốc tuyến, nhanh chóng bàn giao cho các địa phương có Dự án đi qua.
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Công Du nhấn mạnh, xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chiến lược, khâu đột phá, vừa cấp bách vừa lâu dài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 24/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các vùng kinh tế trong tỉnh và kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa tỉnh Đắk Lắk từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng số vốn huy động cho kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2010 gần 22.000 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2020 là trên 73.600 tỷ đồng. Điều đáng mừng, giai đoạn 2011 - 2020 có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đa dạng hóa về nguồn vốn, thay vì nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước của giai đoạn trước đó. |
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Động lực từ hạ tầng giao thông
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc