Multimedia Đọc Báo in

Nuôi ốc nhồi: Đầu tư ít, hiệu quả cao

09:02, 26/07/2022

Sau nhiều năm nuôi cá chép, trắm cỏ, cá mè mà hiệu quả kinh tế mang lại không như mong muốn, ông Nguyễn Văn Tự (thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) quyết định chuyển sang nuôi ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu đen).

Tháng 4/2021, ông Tự tham gia chuyến tham quan mô hình nuôi ốc nhồi ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar) do Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông phối hợp với Hội Nông dân xã Khuê Ngọc Điền tổ chức. Sau khi được “mục sở thị” quá trình nuôi ốc, ông tiến hành nạo vét, vệ sinh lại ao nuôi cá, bón vôi cân đối lượng pH trong nước để hạn chế việc ốc bị thất thoát do các loại cá trắm, cá chép ăn…

Ốc nhồi 4 tháng tuổi tại ao nuôi gia đình ông Tự.

Vốn là người thích tìm tòi khảo nghiệm và hướng đến mục tiêu xa hơn là sản xuất ốc nhồi giống, vì thế, thay vì mua ốc con về nuôi, ông đã liên hệ với Hợp tác xã Hợp Nhất mua 1 kg trứng ốc với giá 3 triệu đồng về cho ấp. Với 1.500 m2 ao, lứa đầu tiên ông Tự nuôi từ khi ấp trứng đến khi thu hoạch là 7 tháng, khi thu hoạch ốc đạt 17 - 20 con/kg, nhiều nhà hàng trong vùng đến đặt mua với giá 80.000 đồng/kg.

Với mong muốn mở rộng mô hình, toàn bộ số lượng ốc trong ao sau khi trừ thất thoát còn khoảng trên 5 tạ, ông Tự giữ lại thêm một chu kỳ để nuôi ốc sinh sản. Chu kỳ mỗi lứa ấp trứng thành ốc con là 17 - 20 ngày, với giá bán hiện tại mỗi ký trứng dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, ốc giống mới nở 1 tuần tuổi là 500 đồng/con, gia đình ông Tự không chỉ có khoản thu nhập khá cao, mà còn thực hiện được ước mơ mở rộng quy mô sản xuất, nhân rộng mô hình.

Ông Tự chia sẻ, ốc nhồi có nhiều ưu điểm như có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn chủ yếu có sẵn trong tự nhiên như bèo tấm, lá cây, các phế phẩm nông nghiệp như rau củ quả hư thả trên mặt nước, không phải tốn tiền mua thức ăn nên đầu tư chi phí thấp…

Tuy nuôi ốc nhồi không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nhưng phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để ốc miệng đầy, mình béo. Khó khăn lớn nhất khi nuôi ốc nhồi là ốc chỉ sinh sản vào mùa ấm áp, nên vào mùa đông giá lạnh, ốc nhồi “ngủ đông” gần như không phát triển hoặc chết, vì vậy để bảo vệ ốc nhồi trong mùa đông cần duy trì mực nước sâu, phủ kín bèo trên ao. Khi ốc sinh sản cần gom trứng về ấp để tỷ lệ nở cao, giảm thiểu thiệt hại do các thiên địch khác phá hoại, ăn trứng, nhất là loài chuột…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.