Multimedia Đọc Báo in

Gỡ vướng cho giải ngân vốn đầu tư công

08:14, 29/08/2022

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh hiện đang thấp hơn so với mức trung bình của cả nước do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm thu tiền sử dụng đất.

Thiếu vốn để giải ngân

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm diễn ra chậm, tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Cụ thể: nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý năm 2021 đã được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 là hơn 614,5 tỷ đồng, đến ngày 31/7/2022 mới giải ngân hơn 55,1/614,5 tỷ đồng, bằng 8,97% kế hoạch (KH). Về KH đầu tư công đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong năm 2022 là hơn 3.484 tỷ đồng. Đến ngày 31/7/2022 đã giải ngân hơn 783,5/3.484 tỷ đồng, bằng 22,5% KH. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thu tiền sử dụng đất chậm.

Thi công xây dựng Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Trên thực tế, tiền thu sử dụng đất là nguồn đầu tư chủ yếu đối với vốn ngân sách địa phương nhưng thời gian qua việc thu tiền sử dụng đất ở nhiều đơn vị, đặc biệt là ở cấp tỉnh thực hiện chậm, dẫn đến hệ lụy là thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án. 7 tháng đầu năm 2022, trong khi cấp huyện thu được hơn 1.516  tỷ đồng, đạt 134,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao thì cấp tỉnh mới chỉ thu được 222 tỷ đồng, bằng 16,2% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Số thu tiền sử dụng đất của các đơn vị cấp tỉnh đạt thấp là do một số dự án kêu gọi đầu tư có thu tiền sử dụng đất lớn, như: Khu dân cư đô thị Tây Bắc II thị xã Buôn Hồ, Khu đô thị dịch vụ Cụm Công nghiệp Tân An, Khu phố mua sắm đi bộ và Trung tâm thương mại phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột)… còn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

 

Báo cáo của Sở Tài chính cho thấy, tổng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2022 là 1.738,7 tỷ đồng, đạt 104% so với dự toán Trung ương giao và 69,6% dự toán HĐND tỉnh giao.

Bên cạnh đó, việc thu tiền sử dụng đất chậm còn do các vướng mắc về trình tự, thủ tục triển khai kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư, do các luật (Đất đai, Đầu tư, Đấu giá, Đấu thầu, Nhà ở...) còn mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt, còn có dự án khi đã hoàn thành thủ tục thì chưa có nhà đầu tư tham gia đầu tư, như khu nhà, đất Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ (số 2 đường Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột). Ngoài ra, các dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị mới tạo quỹ đất bán đấu giá của Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh triển khai còn chậm, trong 6 tháng đầu năm chưa tổ chức bán đấu giá được; cơ sở nhà, đất tại địa chỉ số 161 đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Buôn Ma Thuột (Trung tâm Giao dịch cà phê cũ) đã đấu giá thành công với số tiền trúng đấu giá hơn 411 tỷ đồng, nhưng theo quy định, đơn vị trúng đấu giá mới nộp 50% số tiền trúng đấu giá (205 tỷ đồng) vào ngân sách nhà nước, số còn lại chưa nộp vào ngân sách.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Trong thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy nhanh triển khai, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị mới để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất; kết hợp với điều kiện thuận lợi là nhu cầu mua, bán chuyển nhượng bất động sản của người dân tăng cao nên khối huyện đã thu tiền sử dụng đất vượt dự toán HĐND tỉnh giao trong năm 2022, tương đương số tiền vượt là 389,7 tỷ đồng. Đã có 12 huyện, thành phố thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao, còn lại hai địa phương thu đạt thấp là Buôn Hồ đạt 52,7%, Ea Kar chỉ đạt 21,5% mà nguyên nhân là do một số cơ sở nhà, đất ở thị xã Buôn Hồ đang triển khai các thủ tục để bán đấu giá, còn UBND huyện Ea Kar lại đang xây dựng và đề nghị điều chỉnh giá đất trên địa bàn huyện để tổ chức đấu giá.

Khu nhà, đất Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ (số 2 đường Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột) đã hoàn thành thủ tục, nhưng chưa có nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án.

Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất trong năm 2022, tạo nguồn vốn phục vụ giải ngân cho các dự án, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong thời gian tới Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, tập trung tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án kêu gọi đầu tư có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh còn vướng về trình tự, thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất. Sở cũng sẽ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm để các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (nhất là huyện Ea Kar). Đồng thời tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các trình tự, thủ tục để tổ chức bán đấu giá các cơ sở nhà, đất đã đảm bảo đủ điều kiện theo phương án sắp xếp, xử lý tài sản công đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có các cơ sở nhà, đất tại thị xã Buôn Hồ.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu giá đối với Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại số 2 đường Mai Hắc Đế (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) và đôn đốc thu số tiền bán đấu giá còn lại của Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại số 161 Nguyễn Chí Thanh (TP. Buôn Ma Thuột) với số tiền 206 tỷ đồng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.