Multimedia Đọc Báo in

Cần đầu tư những đô thị nông sản

06:35, 11/09/2022

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc 2022 vừa kết thúc, và sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 sắp diễn ra, đang đặt lại câu hỏi lớn cho chiến lược đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk: Cần phải có thái độ, lựa chọn thế nào về năng lực các đô thị hạt nhân để tạo điều kiện tăng trưởng ổn định, thu hút đầu tư thỏa đáng vào địa phương?

Các nhà nghiên cứu kinh tế liệu có cần xem xét, tư vấn Đắk Lắk đánh giá rõ hơn những lợi thế, tiềm lực của mình, mà định hướng đầu tư, phát triển thỏa đáng về các đô thị nông sản. Sách lược phát triển kinh tế Tây Nguyên dựa vào thế mạnh nông sản, lâm sản bao năm qua, có phải là hướng đi đúng?

Nông nghiệp công nghệ là mấu chốt?

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp trong Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc, các nhà khoa học và doanh nghiệp tư vấn đều cho rằng huyện này và tỉnh Đắk Lắk cần tập trung vào đúng những thế mạnh kinh tế đã và đang có mới thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bền vững và an toàn. Trong đó, lợi thế về nông sản, cụ thể là cây sầu riêng, hay cà phê cần được định vị rõ rệt, có thẩm định, có khảo sát điều tra nghiêm túc mới ấn định chính xác vai trò và chiến lược đầu tư về sau.

Nông sản Tây Nguyên vẫn loay hoay tìm đầu ra.

Ai cũng thấy rõ, từ nhiều năm qua Đắk Lắk đã là thủ phủ kinh tế đầu tư Tây Nguyên. Vị trí cửa ngõ then chốt, sức mở rộng của địa bàn, giao thương kết nối thuận lợi, và nhất là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo điều kiện rất tốt để Đắk Lắk nắm vững vai trò tiên phong, ưu thế so với các tỉnh thành phụ cận. Trong đó, nông nghiệp với nông sản chất lượng cao, sản lượng lớn nhờ chuyên canh đã được Đắk Lắk khẳng định.

Điểm nhấn của thành quả này lại chính là những đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm địa phương, qua từng bước phát triển, đã xây dựng được những tiền đề và thương hiệu vững chãi, như Buôn Ma Thuột với tên gọi thủ phủ cà phê, hay Krông Pắc với định vị sầu riêng Dona chất lượng cao, Krông Ana với những trại ca cao, thương hiệu chocolate từ từ hiện hữu…

Do đó, không có gì phải nghi ngờ khi địa phương muốn xác lập những địa bàn nông nghiệp công nghệ cao, bám sát vào từng lợi thế nông sản cố hữu, để xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế bền vững, đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Nông nghiệp với những giá trị nông sản tăng đều từng năm, đang và sẽ là thế mạnh tuyệt đối của Đắk Lắk. Mệnh đề kéo theo là những đô thị tận dụng, phát huy tốt những con đường kết nối, thương mại nông sản đến tầm khu vực, quốc tế, hoàn toàn là bài toán có thể đặt ra với địa phương. Thu hút đầu tư vào Đắk Lắk, bởi vậy không thể thiếu những dự án mời gọi ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhất là những giải pháp xử lý, chế biến nông sản lợi thế…

Đầu tư chuyên sâu  và kích hoạt đô thị nông sản!

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc chia sẻ, Lễ hội Sầu riêng vừa diễn ra đang đặt một loạt câu hỏi hóc búa cho địa phương về cơ hội thu hút và triển khai đầu tư. Các dự án mời gọi vào địa bàn chỉ qua lễ hội đã đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng cho thấy sức hấp dẫn, cơ hội làm ăn với các doanh nghiệp từ giống nông sản giá trị cao này rất lớn. Nhưng ngược lại, để những dự án đó triển khai hiệu quả, thực sự đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của nhà đầu tư cũng là vấn đề không dễ dàng.

Chính quyền “trải chiếu hoa” mời gọi, người dân trông ngóng, nhất là những nông dân có cơ hội cho bài toán đầu ra nông sản, đặc biệt hướng vào những tiêu chí chính ngạch của thị trường. Song giải pháp đầu tư của các chủ dự án có được sự thống nhất đồng bộ từ chủ trương chung của tỉnh hay không, có tương tác tốt với các doanh nghiệp địa phương đã có hay không?

Nhiều sự kiện thương mại được tổ chức tại các đô thị nhằm kết nối cung cầu, tiêu thụ thị trường nông sản Đắk Lắk.

Nhìn nhận vấn đề này, không chỉ Krông Pắc, mà cả TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar…, những địa bàn nông sản chất lượng và khá đặc thù đều có chung một lo lắng. Ấy là kịch bản đầu tư chuyên sâu vào các giống, cây nông nghiệp giá trị cao liệu có ổn định?

Thực trạng bao năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, ai cũng thấy cả. Nhiều chuyến xe nông sản Đắk Lắk ngược xuôi cả nước, đến tận các cửa khẩu xa, để rồi… "kêu cứu", đổ bỏ, hư hỏng vì không có được hướng tiêu thụ ổn định cứ tái diễn. Để đặt lại vấn đề này, chính các nhà khoa học nông nghiệp cũng chau mày, cho biết thiếu đi sự kết nối và đồng bộ hóa, cho một hệ thống logistics nông sản địa phương, dựa trên chính thế mạnh nông sản hiện có.

Bà Minh Trinh thổ lộ, suy nghĩ của lãnh đạo huyện Krông Pắc chỉ là phải làm sao kết nối được các nhà khoa học vào thêm với các nhà nông, nhà doanh nghiệp mới thay đổi được tình trạng đó. Đầu tư nông nghiệp chuyên sâu, chất lượng và ổn định giá trị là lựa chọn tốt nhất. Để được như vậy, việc hình thành những đô thị nông sản, hạt nhân ở địa bàn, tạo kênh kích cầu trực tiếp cho người tiêu dùng, là đòi hỏi cần thiết. Chỉ khi có người tiêu dùng thực sự, những vấn đề về đầu tư “hậu thu hoạch”, chế biến chuyên sâu các loại nông sản mới có thể đặt ra. Và chỉ có như vậy, việc xúc tiến đầu tư vào kinh tế địa phương mới thu hút được các nhà đầu tư, mới mở được những cánh cửa đầu tư lớn cho nông nghiệp Đắk Lắk. Còn cách thức để vận hành những đô thị nông sản, làm sao đáp ứng tốt xu hướng đầu tư đó, lại là một kịch bản dài hơi, rất cần được nghiên cứu!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc