Multimedia Đọc Báo in

Cú hích từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Cư Pui

08:08, 12/09/2022

Là một trong những xã vùng III khó khăn nhất của huyện Krông Bông, hiện nay, Cư Pui đang đổi thay từng ngày. Nghị quyết 04 của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được cấp ủy, chính quyền xã cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của người dân, đem lại hiệu quả rõ nét.

Thay đổi nếp nghĩ cách làm

Trên địa bàn xã, đặc điểm của người dân 7 thôn đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc thường du canh, dư cư, phá rừng lấy đất sản xuất, còn 5 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ lại chỉ quen sản xuất nhỏ lẻ, chăn nuôi thả rông, tâm lý ngại thay đổi.

Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xác định rõ hướng phát triển kinh tế như: tăng diện tích trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm chống xói mòn và biến đổi khí hậu; chọn một số cây trồng, vật nuôi hiệu quả, xây dựng mô hình, nhân rộng cho người dân.

Nông dân xã Cư Pui chăm sóc cây dứa.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết, chủ trương của Đảng ủy đã được UBND, MTTQ, các đoàn thể xã và cấp ủy, ban tự quản thôn, buôn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến tận hộ dân nhằm từng bước thay đổi thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm. Thay vì tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi “suông” trên hội trường, khuyến nông, các đoàn thể xã đã phối hợp với ngành hữu quan “cầm tay chỉ việc” cho nông dân tại đồng ruộng và tìm hiểu cách làm của các mô hình thực tế, hiệu quả. Sự kiên trì, sâu sát, đồng hành cùng người dân đã tạo ra những chuyển biến rõ nét.

 
Toàn xã hiện đang duy trì ổn định 300 ha lúa 2 vụ theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng sản lượng, bảo đảm lương thực cho người dân. Xã cũng đã phát triển được 1.000 ha rừng trồng, 200 ha dứa, 11 ha thuốc lá, trên 7.000 con gia súc, nhiều mô hình cây - con kết hợp... đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân cải thiện đời sống" .
 
 Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm

Gia đình bà Amí Hưu ở buôn Khanh có 1,2 ha rẫy nhưng trong đó có 3 sào đất gần khu vực ven suối, thường bị lụt lội hoặc cát bồi đắp nên không trồng tỉa được cây gì. Sau khi tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế, đầu năm 2022, Amí Hưu bàn với chồng đầu tư 1,8 triệu đồng mua giống trồng 3 sào đậu phộng. Vụ đậu đầu tiên của nhà Amí Hưu thành công ngoài mong đợi, thu được hơn 5 tạ. Thay vì bán “thô”, giá trị kinh tế thấp, Amí Hưu đã ép được 60 lít dầu đậu phộng, bán với giá 110.000 đồng/lít. Amí Hưu đã để lại 2 bao làm giống cho vụ sau và cung cấp cho người dân trong buôn. Điều đáng nói, từ thành công của mô hình này, xã Cư Pui quyết định nhân rộng bằng cách trích ngân sách hỗ trợ giống cho các hộ khó khăn, có ý chí vươn lên, có đất bỏ hoang ở khu vực ven suối để trồng đậu phộng, nâng cao thu nhập.

Khuyến khích người dân vươn lên

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo ra sự thay đổi trong tư duy và thôi thúc ý chí vươn lên của người dân, tự tìm tòi hướng đi phù hợp.

Đơn cử như gia đình bà Trần Thị Lựu ở buôn Khóa, sau trận bão năm 2017, gia đình bà rơi vào cảnh trắng tay bởi khoảng 1,7 ha cao su, 1,2 ha cà phê cùng 5 sào chanh dây bị bão quật đổ ngã, trốc gốc. Để vực dậy kinh tế gia đình, năm 2018, vợ chồng bà thế chấp tài sản vay ngân hàng 250 triệu đồng để đào 1,1 sào ao thả các loại cá “lấy ngắn nuôi dài”, cải tạo lại vườn cà phê, đồng thời sang tỉnh Lâm Đồng học nghề trồng dâu nuôi tằm. Lúc cây cà phê còn nhỏ, gia đình bà trồng xen cây dâu và thử nghiệm nuôi 2 hộp tằm giống. Lứa đầu tiên thất bại do chưa có kinh nghiệm canh thời điểm tằm chín, tạo kén nên đành ủ thành phân bón cho cây trồng. Đến nay, mỗi tháng gia đình bà nuôi thành công 3 hộp tằm giống, trừ chi phí thu lãi khoảng 8 triệu đồng. Qua công tác tuyên truyền, giới thiệu của xã, đã có thêm 5 gia đình thăm quan, học hỏi và nhân rộng mô hình.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm (bên trái) tìm hiểu mô hình nuôi dê của người dân.

Chủ trương đúng, cách làm phù hợp đã tạo chuyển biến trong tư duy kinh tế của người dân. Nhờ vậy, các nguồn lực đầu tư cho xã cũng phát huy hiệu quả. Từ dự án “ngân hàng bò”, hỗ trợ dê giống, cây giống, vốn, người dân đã biết tận dụng những diện tích đất bỏ hoang để phát triển chăn nuôi, trồng trọt với quy mô ngày càng lớn hơn. Những diện tích trồng mì, ngô năng suất thấp và những diện tích cà phê không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng được người dân chuyển đổi sang trồng dứa, cây thuốc lá. Nhiều đồi trọc, bạc màu đã được phủ xanh từ chính sách khuyến khích trồng rừng...

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.