Multimedia Đọc Báo in

Dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn

08:22, 09/09/2022

Thôn 6, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cách trung tâm xã 14 km, có 245 hộ với 1.105 khẩu, hầu hết người dân trước đây là công nhân Nông trường 718.

Ngoài diện tích đất do nông trường quản lý, những lúc nông nhàn, người dân trong thôn tranh thủ khai phá thêm đất “đầu thừa, đuôi thẹo” trồng cây hoa màu để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, do diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún, độ cao thấp không đồng đều, hệ thống tưới tiêu chưa có, lao động thủ công lại phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất cây trồng không cao.

Nghị quyết về xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Ông Nguyễn Huỳnh, Bí thư Chi bộ thôn 6 cho biết: Trước đây, toàn thôn có 250 ha đất trồng ngô, phần lớn diện tích nằm dọc theo sông Krông Bông, hằng năm vụ thu đông thường bị mất mùa do bão lũ, đời sống của bà con vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, không hiệu quả, từ định hướng của Đảng bộ xã, tháng 4/2021 Chi bộ thôn 6 xây dựng nghị quyết về thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn. Chi bộ đã phân công những đảng viên có nhiều kinh nghiệm sản xuất phối hợp với Ban tự quản thôn và cán bộ chuyên môn tiến hành khảo sát thực địa đất đai trong thôn, sau đó tổng hợp lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng vùng chuyên canh cây lúa nước 2 vụ với quy mô “cánh đồng mẫu lớn”…

Cánh đồng lúa rộng trên 100 ha sau khi cải tạo từ đất trồng ngô sang làm ruộng nước 2 vụ.

Chủ trương, kế hoạch là thế, nhưng việc hình thành cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi phải có nguồn kinh phí xây dựng hệ thống thủy lợi, cũng như san ủi cải tạo mặt bằng đất ruộng… “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Chi bộ thôn 6 tổ chức họp dân thông qua kế hoạch, triển khai thực hiện theo từng bước: Đầu tiên là vận động những gia đình có diện tích trên cùng cánh đồng dồn điền, đổi thửa; gia đình nào có điều kiện thì tự bỏ tiền thuê mướn xe san ủi mặt bằng, xây dựng bờ vùng, bờ thửa. Với những gia đình khó khăn, Chi bộ và Ban tự quản thôn vận động các chủ xe múc cho thanh toán theo hình thức trả chậm. Tiếp theo là ký kết hợp đồng với ngành điện để kéo điện 3 pha từ khu dân cư ra cánh đồng dùng máy bơm để tưới trong khi chưa có hệ thống thủy lợi. Cuối cùng, sau khi dồn điền đổi thửa, số lao động dôi ra được khuyến khích phát triển ngành nghề khác phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân trong thôn.

Với cách làm trên, đến nay thôn 6 đã xây dựng được một cánh đồng lúa nước rộng 150 ha; năng suất lúa đạt bình quân 10 tấn/ha/vụ. Thu nhập của các hộ nông dân cũng được tăng lên rõ rệt.

Tăng năng suất, thu nhập

Sau khi nghe Chi bộ thôn phổ biến chủ trương hình thành cánh đồng mẫu lớn, năm 2020 gia đình ông Trương Phước Long đã đầu tư 530 triệu đồng để mua thêm đất sản xuất liên canh, thuê xe múc san ủi cải tạo mặt bằng, làm bờ vùng, bờ thửa và hợp đồng kéo điện 3 pha bơm tưới cho 5 ha ruộng nước hai vụ trồng lúa ST25. Hiện nay, năng suất lúa của gia đình ông đạt 10 tấn/ha/vụ, với giá bán lúa ST25 dao động từ 7.500 – 8.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình ông thu được 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tương tự, sau khi dồn điền, đổi thửa bằng hình thức sang nhượng của những hộ sản xuất liền kề, gia đình ông Trương Quốc Huân đã có 6 ha đất. Do mặt bằng không đều, để tiết kiệm chi phí san ủi, ông thực hiện cải tạo ruộng theo 2 bậc. Đường điện ở xa nên ông dùng máy nổ bơm nước từ suối lên tưới; song song với việc thâm canh, ông sử dụng giống lúa mới ST25 không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng gạo ngon, giá cả cao hơn 2.000 đồng/kg so với các loại giống cũ. Hiện mỗi vụ sản xuất gia đình ông Huân thu được 60 tấn lúa, sau khi trừ chi phí lãi ròng gần 300 triệu đồng. Cũng với cách làm trên, sau khi cải tạo cánh đồng chuyển đổi sang trồng lúa, gia đình ông Trần Văn Bền hiện có lãi 45 triệu đồng/ha mỗi vụ, cao gần gấp ba so với trồng ngô manh mún trước đây.

Ông Trần Văn Bền, người đang canh tác trên cánh đồng mẫu lớn ở thôn 6, xã Vụ Bổn.

Theo Bí thư Chi bộ thôn 6 Nguyễn Huỳnh, sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành cánh đồng mẫu lớn, năng suất, sản lượng cây trồng của bà con nông dân đều tăng gấp hai, ba lần so với trước đây, đời sống được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để ổn định sản xuất và đầu ra cho sản phẩm, Chi bộ đang tiến hành thủ tục thành lập hợp tác xã trồng lúa và trồng nấm. Bà con trong thôn cũng đang mong mỏi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cho thôn 6 một trạm bơm điện, tạo điều kiện cho thôn sớm xây dựng hoàn thiện cánh đồng mẫu lớn 250 ha theo kế hoạch.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.