Công ty Thuần Mẫn trước nguy cơ “tê liệt” hoàn toàn
Gần 5.000 ha rừng và đất lâm nghiệp nhưng chỉ có hai nhân viên quản lý, bảo vệ trong tình trạng không lương suốt 12 tháng nay. Đây là thực trạng và cũng là thách thức lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn (viết tắt là Công ty Thuần Mẫn), ở thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo).
Nợ lương kéo dài
Công ty Thuần Mẫn (tiền thân là Lâm trường Thuần Mẫn) thành lập từ năm 2010, được UBND tỉnh giao quản lý 4.925,6 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy 1.510,06 ha rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt trên địa bàn huyện Ea H’leo.
Nhiều năm qua, Công ty không có nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ phụ thuộc vào ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng/năm cho công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Khoản tiền này khi cân đối để thực hiện các hạng mục theo phương án được giao cũng chỉ bảo đảm đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên được 4 tháng/năm.
Hiện tại, Công ty đang nợ lương và tiền bảo hiểm xã hội của cán bộ, công nhân viên 12 tháng với số tiền 667 triệu đồng (6 tháng của năm 2021 và 6 tháng của năm 2022); nợ 94 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc đối với hai hợp đồng lao động…
Cán bộ, nhân viên Công ty Thuần Mẫn tuần tra rừng. |
Mức lương đã thấp, lại còn bị nợ lương nên nhân lực hao hụt dần. Hiện nay, Công ty chỉ còn 6 người, trong đó 1 người xin nghỉ dài ngày để điều trị bệnh, 3 người kiêm nhiệm mọi công việc tại trụ sở Công ty và 2 người thay phiên nhau đi kiểm tra, quản lý, phòng cháy chữa cháy trực tiếp cho hơn 1.500 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt và gián tiếp quản lý hơn 3.400 ha rừng, đất lâm nghiệp được giao khác. Mọi chi phí xăng xe, sửa xe, ăn uống… cho những chuyến công tác cũng không có, cá nhân phải tự bỏ tiền ra.
Bế tắc hoàn toàn
“Nhân lực quá ít, chi phí công tác không có nên việc tuần tuần tra, kiểm soát rừng cũng thưa dần, không kịp thời phát hiện những vụ vi phạm lâm luật. Nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm. Dù có bắt quả tang việc xâm hại rừng cũng không đủ người để khống chế, xử lý". Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn Nguyễn Thành Chương |
Theo ông Nguyễn Thành Chương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Thuần Mẫn, khi mới thành lập, toàn bộ nhân lực của đơn vị có 21 người (chưa kể các lao động hợp đồng), chủ yếu là lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng tại các lâm phần. Đề án sắp xếp, đổi mới Công ty Thuần Mẫn chuyển đổi thành Công ty TNHH Hai thành viên đã được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 12/2016, thế nhưng đến nay còn nhiều vướng mắc, chưa lập xong phương án sử dụng đất để thẩm định, phê duyệt nên chưa thực hiện được. Vì vậy, khoảng 7 năm trở lại đây, Công ty Thuần Mẫn rơi vào cảnh hoàn toàn bế tắc. Công việc vất vả ngày đêm, chế độ tiền lương, công tác phí không bảo đảm, trong khi trách nhiệm lại nặng nề khiến nhiều cán bộ, nhân viên phải “dứt áo ra đi”.
“Trong 6 người còn lại ở Công ty hiện nay thì tôi là người cuối cùng làm đơn xin nghỉ việc, 5 người kia đã làm đơn trước đó. Hiện, tất cả đơn đã gửi UBND tỉnh và Sở Nội vụ xem xét chờ phê duyệt là nghỉ. Tình hình nhân lực của Công ty thật sự đã đến lúc báo động, không có người để đảm nhiệm công tác tuần tra, kiểm tra rừng. Việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên bị ngưng trệ thời gian quá dài dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của Công ty không có hiệu quả”, ông Nguyễn Thành Chương than vãn.
Trước tình hình khó khăn kể trên, Công ty Thuần Mẫn đã nhiều lần gửi đơn “cầu cứu” đến UBND tỉnh kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để chi trả nợ lương cho cán bộ, nhân viên; bổ sung thêm nhân lực để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở Nội vụ tham mưu giải quyết theo thẩm quyền. Đến ngày 19/9/2022, Sở Tài chính đã có văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh với nội dung: Theo các quy định của pháp luật có liên quan, ngoài khoản kinh phí hỗ trợ công tác khoán quản lý, bảo vệ rừng 300 nghìn đồng/ha/năm và kinh phí phòng, chống cháy rừng thì không có quy định cho phép ngân sách hỗ trợ thêm cho các công ty lâm nghiệp.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc