Đẩy mạnh cho vay tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh
Chiều 28/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì cuộc họp.
Từ đầu năm đến nay có 40.630 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay vốn tín dụng chính sách, với số tiền hơn 1.607 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 6.164 tỷ đồng, với 160.268 khách hàng còn dư nợ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì cuộc họp. |
Trong năm 2022, NHCSXH chi nhánh Đắk Lắk cũng triển khai mốt số chương trình tín dụng theo nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, cho vay với người sử dụng lao động để thực hiện trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản hơn 2,8 tỷ đồng; cho vay các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP 138,6 tỷ đồng đồng. Bên cạnh đó, chi nhánh thường xuyên triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,16%/ tổng dư nợ.
Theo đánh giá của các đại biểu, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: có 6 phòng giao dịch để nợ quá hạn phát sinh tăng, 2 hội, đoàn thể tăng nợ quá hạn; số hộ vay bán nhà bỏ đi khỏi nơi cư trú không rõ địa chỉ vẫn phát sinh, công tác rà soát, tìm kiếm thông tin địa chỉ nơi ở mới của hộ vay gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến công tác tín dụng chính sách.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân phát biểu tại cuộc họp. |
Từ nay đến cuối năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chi nhánh Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay theo kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình được giao năm 2022, trong đó, tập trung rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, để nâng mức cho vay theo quy định, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ vay, tạo điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội; kiểm tra hoạt động cho vay ủy thác của các hội, đoàn thể; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại điểm dịch giao xã theo quy định và kiện toàn, củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc