Đến năm 2030, phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu mắc ca đạt 4.000 ha
Triển khai, thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, toàn tỉnh phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu mắc ca đến năm 2030 đạt 4.000 ha (trồng thuần 1.000 ha, trồng xen 3.000 ha).
Hiện nay, diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.000 ha, giai đoạn 2022 - 2030 phấn đấu trồng mới 2.000 ha, triển khai tại 7 đơn vị hành chính (gồm: Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột).
Một vườn ươm giống mắc ca của người dân trên địa bàn huyện Krông Năng. |
Về phát triển cơ sở chế biến, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến, nhà máy chế biến sâu gắn với vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn. Đồng thời, trong giai đoạn 2021 - 2030, trên cơ sở dự đoán sản lượng thực tế, tập trung việc nâng cấp 15 cơ sở chế biến hiện có, với công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt mắc ca tươi/năm. Sau năm 2030, sẽ rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp với với các vùng nguyên liệu theo đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát quỹ đất phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca, quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn để phát triển bền vững cây mắc ca tại địa phương. Trong đó, rà soát bố trí quỹ đất quy hoạch là rừng sản xuất để phát triển theo phương thức trồng thuần loài và trồng xen mắc ca với các loài cây trồng khác trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống quy hoạch phát triển rừng phòng hộ theo quy mô và địa điểm cụ thể, phù hợp phát triển vùng nguyên liệu mắc ca…
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc