Multimedia Đọc Báo in

Kiến tạo thương hiệu cho điểm đến Buôn Ma Thuột (kỳ 2)

07:08, 12/10/2022

Kỳ 2: Để Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến du lịch sinh thái và di sản

Khi đến với Đắk Lắk, du khách muôn phương thường nghĩ ngay đến địa danh Buôn Ma Thuột. Hay khi nhắc đến Buôn Ma Thuột người ta sẽ nhớ đến mảnh đất đại ngàn với đặc sản là cà phê. Tuy nhiên, khi nhắc đến du lịch ở mảnh đất này, nhiều người vẫn chưa mường tượng được những điều sẽ được trải nghiệm cũng như nét đặc sắc trong các tour du lịch nơi đây.

"Nâng cánh" cho ngành du lịch

Phát triển du lịch sinh thái và tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này đang là định hướng của tỉnh Đắk Lắk. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh…

Du khách tham quan gian trưng bày cồng chiêng tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Để ngành du lịch ngày càng phát triển và sớm trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển du lịch trong cả nước trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong tỉnh và tranh thủ sự hợp tác trong và ngoài nước, ngày 17/7/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lợi thế về loại hình du lịch văn hóa – cộng đồng và sinh thái, cũng như trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn của cả nước.

Trong đó có 8 giải pháp để thực hiện, gồm: Tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đắk Lắk có tính cạnh tranh cao, bền vững; quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ ngành du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ngành kinh tế quan trọng này; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.

 

“Để ngành du lịch "cất cánh", tỉnh Đắk Lắk cần nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng Tây Nguyên, đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu du lịch sau đại dịch của du khách. Đồng thời, cần có những giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch đã bị phân tán trong đại dịch; phát huy hiệu quả liên kết du lịch; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch…”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Đắk Lắk trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn của cả nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra kế hoạch cụ thể: Xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo một số di tích, nhất là di tích quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với du lịch; khảo sát, lựa chọn một số buôn, làng truyền thống tiêu biểu để đầu tư khai thác và phát triển du lịch văn hóa; tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các buôn du lịch cộng đồng, khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn một số lễ hội đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu cho du lịch Đắk Lắk như hội voi, lễ hội đua thuyền truyền thống; đua thuyền độc mộc. Đặc biệt, đưa Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch đặc thù, phục vụ khách tham quan khi đến với Đắk Lắk.

Theo ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, doanh thu cũng như số lượt khách du lịch đến với Đắk Lắk đang tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút khách du lịch, những khu/điểm du lịch cũng như các hãng lữ hành trên địa bàn tỉnh cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đi cùng với đó là giải pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với du khách. Đồng thời, các hoạt động kích cầu du lịch với nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt cần phải thực hiện một cách thường xuyên, tích cực.

Kiến tạo bản sắc

Để ngành du lịch Đắk Lắk cũng như Buôn Ma Thuột bứt phá đi lên, TS. Ngô Khắc Sơn (Học viện Chính trị khu vực III) cho rằng, phải kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch, cần đầu tư phát triển ngành du lịch một cách có tổ chức và bài bản hơn trên nền tảng những giá trị văn hóa nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp sẵn có của tỉnh. Nông nghiệp Đắk Lắk có những sản vật và sản phẩm độc đáo có thể khai thác để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa bản địa (cả vật thể và phi vật thể) được tạo ra trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên bản sắc riêng mà ngành du lịch có thể khai thác thành những sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương.

Đảng bộ, chính quyền địa phương cần mạnh dạn xoay chuyển nhận thức từ trục “nông nghiệp – du lịch” sang “du lịch – nông nghiệp”, từ đó lan tỏa tầm nhìn và truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh; tiến tới chỉ đạo nghiên cứu và quy hoạch các loại hình du lịch giúp phát huy thế mạnh sẵn có của nền nông nghiệp; trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư trong và ngoài tỉnh, thậm chí đầu tư quốc tế, đặc biệt là kích thích tư duy làm du lịch trong nhân dân, để người dân tự chủ, tự suy nghĩ cách làm và đầu tư công sức, tiền của vừa làm du lịch, vừa phát triển nông nghiệp.

Nông nghiệp Đắk Lắk có thể khai thác để phát triển du lịch. Trong ảnh: Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm mô hình rau hữu cơ của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột).

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra, Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của Việt Nam, diện tích và sản lượng chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hằng năm, do đó cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa và du lịch. Với điều kiện tự nhiên lý tưởng của nền đất bazan trẻ đã kết tinh trong hạt cà phê phẩm vị thơm ngon đặc biệt, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến từ lâu với tên gọi đã có thương hiệu là “Cà phê Buôn Ma Thuột”.

Hơn nữa, hằng năm thông qua các Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là một điểm sáng để phát triển loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa địa phương bên cạnh hoạt động sản xuất cà phê nổi tiếng. Đây cũng là hướng để xây dựng thương hiệu, kiến tạo bản sắc để Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến du lịch sinh thái và di sản.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, từ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành, TP. Buôn Ma Thuột cần có chính sách, giải pháp khai phá phù hợp để có thể tận dụng những tiềm năng sẵn có, xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến du lịch sinh thái và di sản, đặc biệt là mang một bản sắc “không lẫn vào đâu được”.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Phát triển du lịch gắn với thương hiệu cà phê

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.