Góp sức thực hiện công tác an sinh xã hội
Thông qua việc kết nối các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã nỗ lực tăng cường hợp tác thông qua nhiều biện pháp nhằm vận động nguồn lực tài trợ để góp sức thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Ý nghĩa từ những dự án
Từ nguồn lực tài trợ nước ngoài, thời gian qua, những dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào hỗ trợ công tác an sinh xã hội, phát triển giáo dục, trong đó hướng đến hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, người khuyết tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án mang ý nghĩa thiết thực và phù hợp với định hướng ưu tiên hợp tác của tỉnh. Đơn cử như Dự án phòng, chống đuối nước của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids.
Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids tại Việt Nam cho biết, Dự án phòng, chống đuối nước được tổ chức triển khai từ năm 2018 tại 12 tỉnh, trong đó có Đắk Lắk. Dự án đã tổ chức dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh các trường tại huyện Ea Kar và đang triển khai thêm ở huyện Cư M’gar. Tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước cao và đang gia tăng, do đó Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh, song cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Dự án phòng, chống đuối nước của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids đã tổ chức dạy bơi cho nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh. |
Từ định hướng của tỉnh Đắk Lắk là sẽ hạn chế tối đa, hướng đến không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà, bao gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi..., tháng 7/2018, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã tài trợ 65.000 USD để triển khai Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn trong thời gian 5 năm nhằm chấm dứt hoạt động cưỡi voi tại Vườn. Đây là mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam. Hiện có 6 cá thể voi đang được quản lý trong chương trình du lịch quan tâm đến phúc lợi của voi nói trên. Mô hình du lịch thân thiện với voi đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời nhận được sự đồng tình của cộng đồng và những cá nhân quan tâm đến bảo vệ loài voi trên cả nước. Chương trình du lịch còn là một giải pháp bền vững khi vừa đảm bảo được sức khỏe và sự tự do thoải mái cho voi, trong khi vẫn tạo sinh kế cho người dân địa phương. Tháng 12/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và nhà tài trợ là Tổ chức Động vật châu Á đã thống nhất đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc xây dựng và triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi tại Đắk Lắk nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.
Tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai dự án
Theo Sở Ngoại vụ, tổng giá trị viện trợ toàn tỉnh vận động được giai đoạn 2020 - 2022 ước đạt hơn 6,5 triệu USD, trung bình mỗi năm vận động được hơn 2,1 triệu USD; ước hoàn thành 84% mục tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025 theo Chương trình tăng cường hợp tác và xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh (1,3 triệu USD/năm, 7,8 triệu USD/cả giai đoạn). Số lượng nhà tài trợ trong giai đoạn 2020 - 2021 duy trì khoảng 22 tổ chức/năm; trong đó, số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tăng lên so với giai đoạn trước đó cho thấy sự quan tâm của các tổ chức đối với địa bàn Đắk Lắk. Lĩnh vực và địa bàn tiếp nhận viện trợ cơ bản thuộc định hướng ưu tiên hợp tác của tỉnh, chủ yếu là y tế và giáo dục. Ngoài ra còn có tài nguyên - môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội. Địa bàn tài trợ trải rộng toàn tỉnh, tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, như: Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Buôn Đôn, Ea Súp.
Tỉnh Đắk Lắk hướng đến không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà. Trong ảnh: Du khách cho voi ăn tại hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk. |
Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ nước ngoài đã đồng hành cùng với tỉnh thông qua các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả. Sự chung tay góp sức của các tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ nước ngoài đã có tác động tích cực đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cho biết, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ nước ngoài đã góp phần giúp Đắk Lắk thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện, nâng cao cuộc sống của những hộ nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trẻ em, người khuyết tật... Những năm tiếp theo, Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy tỉnh rất cần sự hợp tác, hỗ trợ vật chất, kỹ thuật của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bạn bè quốc tế, sự tham gia trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI để phát triển ổn định, bền vững, nhất là trên các lĩnh vực an sinh, giải quyết vấn đề xã hội, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường.
Đắk Lắk đã, đang và luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chương trình, dự án nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp FDI thực hiện thành công. Tỉnh cam kết đẩy mạnh hơn nữa công tác chia sẻ thông tin với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến tìm hiểu, hợp tác. Bên cạnh đó, Đắk Lắk sẽ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn tài trợ được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng nhằm đem lại hiệu quả bền vững.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc