Multimedia Đọc Báo in

Lô “MẮC CA KRÔNG NĂNG” đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản

16:52, 09/11/2022

Chiều 9/11, UBND huyện Krông Năng tổ chức Lễ xuất khẩu lô “MẮC CA KRÔNG NĂNG” chính ngạch đầu tiên qua thị trường Nhật Bản.

Cây mắc ca được trồng trên địa bàn huyện Krông Năng từ năm 2003 theo mô hình trồng khảo nghiệm do Tổng cục Lâm nghiệp đầu tư ở xã Dliêya và Phú Lộc, với hình thức xen canh trong vườn cà phê. Đến nay, toàn huyện có 2.363 ha mắc ca, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng hơn 1.000 ha; năng suất đạt 17,9 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 1.700 tấn.

ảnh
Đại diện doanh nghiệp hai bên là: Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương và Công ty OLTY (Nhật Bản) tiến hành ký hợp đồng xuất khẩu.

Ngoài ra, huyện còn có trên 22 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca, các cơ sở này chủ yếu thực hiện tách hạt, sấy khô, đóng gói, hút ẩm và 1 cơ sở chế biến sâu hạt mắc ca, có sản phẩm chocolate mắc ca. Các cơ sở này đã và đang nâng cấp về quy mô, cơ bản đáp ứng yêu cầu mua, chế biến cho các nông hộ, doanh nghiệp.

Sản phẩm mắc ca huyện Krông Năng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu “MẮC CA KRÔNG NĂNG”. Chất lượng hạt mắc ca của huyện Krông Năng được phân tích và đánh giá rất tốt. Trong đó, sản phẩm mắc ca của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương đã được cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và cấp khu vực năm 2022.

Tại buổi lễ, đại diện doanh nghiệp hai bên là: Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương và Công ty OLTY (Nhật Bản) đã thống nhất tiến hành ký hợp đồng phân phối độc quyền tại thị trường Nhật Bản đối với sản phẩm hạt mắc ca sấy của Công ty DAMACA Nguyên Phương.

ảnh
Lô hàng “MẮC CA KRÔNG NĂNG” đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Vũ Văn Mỹ đánh giá: lô “MẮC CA KRÔNG NĂNG” xuất khẩu chính ngạch đầu tiên qua thị trường Nhật Bản là kết quả nỗ lực suốt thời gian dài của chính quyền và người nông dân huyện Krông Năng.

Sản phẩm hạt mắc ca bước đầu thâm nhập được vào các thị trường lớn, khó tính trên thế giới sẽ mở ra cơ hội tốt cho phát triển cây mắc ca ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk và huyện Krông Năng nói riêng. Đồng thời, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn huyện kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế để tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch và bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.