Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023
UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật trên địa bàn cả nước đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2022 nhiều loại dịch bệnh động vật vẫn thường xuyên xảy ra trên các đối tượng chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 13/15 huyện, thị xã, thành phố.
Cụ thể, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã làm chết và buộc tiêu huỷ là 1.880 con, khối lượng tiêu hủy là 82.309 kg; cúm gia cầm A/H5N1 số gia cầm mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 1.540 con; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có số bò mắc bệnh 52 con, số bò tiêu hủy 27 con; bệnh dại đã làm 4 người tử vong (huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Kar và thành phố Buôn Ma Thuột). Kết quả giám sát bị động cho thấy vi rút dại lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương (30/47 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 63,8%).
Một hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa) |
Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trong đó chú trọng tổ chức triển khai một số biện pháp cụ thể sau:
Thực hiện phòng bắt buộc bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật theo quy định của Bộ NN-PTNT, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin vụ 2; lở mồm long móng trâu bò đợt 2…
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.
Bố trí đầy đủ các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt…
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc