Multimedia Đọc Báo in

Gỡ “nút thắt” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

08:49, 01/12/2022

Trước sự biến động của nền kinh tế thị trường, chi phí sản xuất, giá cả leo thang..., thời gian qua các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa (NVV), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để hỗ trợ những đơn vị này phục hồi sản xuất và phát triển bền vững, các sở, ban, ngành đã triển khai nhiều giải pháp giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đối mặt với nhiều “rào cản”

Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2021 có khoảng 96% DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và 75% DN bị sụt giảm doanh thu. Bên cạnh bị ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh, “rào cản” đối với DN là việc cấp các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện còn hạn chế; thiếu những chương trình hỗ trợ được triển khai có hiệu quả, như: tiếp cận vốn, thông tin minh bạch trong việc tiếp cận cơ chế, chính sách; các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, ngành, đặc biệt những dự án đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn...

Được thành lập vào năm 2016, từ một đơn vị rang gia công cà phê, trải qua nhiều năm phát triển, hiện sản phẩm của Công ty TNHH MTV Anh Coffee đã có mặt tại thị trường 20 tỉnh trên toàn quốc và một số đơn vị thương mại kinh doanh ở nước ngoài. Sau 6 năm “chinh chiến” trên thị trường, ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc công ty nhận định, môi trường đầu tư kinh doanh tại Đắk Lắk luôn tạo điều kiện cho các DN phát triển, tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế về giải quyết thủ tục hành chính và đây là thử thách lớn cho DN. Đối với một DN, cơ hội làm ăn chỉ đến “chớp nhoáng” trong một thời gian ngắn, nếu việc giải quyết thủ tục pháp lý không kịp thời thì cơ hội sẽ mất đi. Hoặc nhiều DN có hợp đồng kêu gọi vốn, cổ phần, hợp tác làm ăn, nhưng theo quy định của Nhà nước, phải cần thời gian dài để hoàn thiện các thủ tục về xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, đất đai... gây ra nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với Công ty TNHH MTV Anh Coffee hiện nay, khó khăn lớn nhất đang phải đối diện là rủi ro, thách thức của thị trường, lãi vay vốn đầu tư tăng... khiến chi phí sản xuất cao. "Trong khi các DN lớn họ ổn định lâu dài, những chi phí bỏ ra đều duy trì ở mức tối thiểu thì đối với DNNVV, tất cả đều đầu tư xây dựng mới nên chi phí khấu hao và vốn ban đầu rất cao, điều này gây ra thử thách lớn cho đơn vị duy trì phát triển. Vì vậy, công ty rất mong được quan tâm, hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất hợp lý", ông Phạm Hoài Nguyên Anh chia sẻ.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trưng bày sản phẩm tại Chương trình "Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu năm 2022".

Tương tự, sau 15 năm thành lập, hiện HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar) vẫn chưa có "chỗ đứng" vững vàng trên thị trường. Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất Phan Đình Xuân cho hay, tất cả các thành viên của HTX phải phối hợp để làm ra sản phẩm, nhưng người dân chỉ trông chờ vào HTX để được vay vốn phát triển. Thế nhưng chỉ có một số HTX có sẵn đề án, phương án sản xuất lâu dài mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Do đó, mặc dù HTX sản xuất tổng hợp nhiều mặt hàng như rau, ốc... nhưng chưa xây dựng được “lộ trình” phát triển lâu dài nên rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn.

Nhiều giải pháp “tháo gỡ”

Trước thực tế đó, các sở, ngành đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp các DN và HTX trên địa bàn tỉnh phục hồi phát triển kinh tế. Về lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chế phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và phối hợp với cơ quan thuế hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như gia hạn nộp thuế và tiền sử dụng đất được coi là khoản vay không tính lãi cho DN. Đồng thời, giai đoạn 2021 - 2030, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 14/15 huyện, thị xã để tổ chức quản lý, sử dụng đất theo quy định pháp luật. Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành thu hồi 19 dự án đầu tư không được đưa vào sử dụng đúng thời hạn với diện tích gần 5.600 ha để tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư, sử dụng có hiệu quả. Nhờ vậy, Chỉ số tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh năm 2021 tăng lên đáng kể, xếp thứ 3/63 tỉnh thành, tăng 21 bậc so với năm 2020 (24/63).

Về hỗ trợ DN, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến năm 2030” với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, kỹ thuật, hệ thống quản lý... Tính đến tháng 10/2022, chương trình đã hỗ trợ 10 lượt DN, tổ chức thực hiện xây dựng, áp dụng theo quy chuẩn hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001, ISO 22000, HACCP, ISO 14000 với kinh phí hỗ trợ 55 triệu đồng/DN.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN-PTNT đang đề xuất UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các HTX nông nghiệp để mua trang thiết bị, máy móc; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần May Đắk Lắk.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Đắk Lắk đang thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tối đa để các DN vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa làm thủ tục thông quan nhanh chóng. Cụ thể, Cục cho DN được nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan và thành lập tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm theo danh sách công chức, số điện thoại từ cấp Cục đến Chi cục Hải quan.

Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho đơn vị tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động kinh doanh. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với UBND TP. Hồ Chí Minh bãi bỏ quy định thu phí hạ tầng cảng biển có sự phân biệt đối xử giữa DN xuất nhập khẩu trong và ngoài địa bàn của địa phương này.

“Hiến kế” để phát triển DN trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, DNNVV không chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk mà với Việt Nam và các nước đang phát triển trên thế giới có đóng góp rất nhiều cho sự phát triển nền kinh tế. Mặc dù quy mô của các DN này không lớn nhưng chiếm số lượng đông đảo tại Đắk Lắk, giúp giải quyết một phần công ăn việc làm cho người dân. DNNVV có điểm yếu về mặt quy mô nhưng cũng là điểm mạnh trong việc linh hoạt điều chỉnh hoạt động của mình trước sự thay đổi của thị trường.

Tuy nhiên, làm sao để những DN này hoạt động ổn định thì cần có một môi trường kinh doanh thuận lợi liên quan mật thiết đến nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Thực tế, các DN này có bộ máy quản lý rất nhỏ, một người có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí nên thời gian để họ nắm bắt thông tin, văn bản pháp luật không bằng DN lớn.

Vì vậy, để hỗ trợ DNNVV hoạt động hiệu quả hơn, các cơ quan chính quyền nên thiết kế quy trình hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính bám sát hơn, giúp họ tìm hiểu, nắm bắt, tuân thủ quy định pháp luật dễ dàng.

Ngoài ra, số lượng các DN này rất lớn nên khi triển khai các chương trình hỗ trợ cần phải nắm bắt nhu cầu, xu hướng của họ để thiết kế phù hợp. Đồng thời nên có cách thức triển khai như đối thoại với DNNVV để tăng cường sự tham gia của họ, bởi theo nghiên cứu, khi diễn ra các hoạt động này chỉ có DN lớn tham gia nên không đại diện hết cho cộng đồng DN.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.