Multimedia Đọc Báo in

“Trái ngọt” từ hoạt động xuất khẩu

05:22, 24/01/2023

Thời điểm này năm ngoái, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang dốc sức để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm bứt phá mới sau đại dịch COVID-19. Năm nay, “quả ngọt” đã đến khi xuất khẩu của tỉnh đạt kỷ lục mới với mức tăng trưởng ấn tượng.

Mở rộng cửa đưa hàng Việt ra thế giới

Lần đầu tiên, hoạt động xuất khẩu của tỉnh thiết lập kỷ lục với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, tăng trên 30% so với năm 2021. Hàng hóa của tỉnh xuất đi 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, có lợi thế cạnh tranh tốt và đạt kết quả ấn tượng ở các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh, Pháp...

Chế biến cà phê đặc sản tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Năm 2022, giá cà phê tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong năm, có nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu khi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường có xu hướng phục hồi trở lại cộng với ưu đãi về thuế quan từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tiếp tục tạo thuận lợi cho nông sản của tỉnh tăng sức cạnh tranh ở nhiều quốc gia. Cơ hội này đã được DN nhanh chóng chớp lấy để đẩy mạnh xuất khẩu, các thị trường truyền thống được khai thác triệt để. Quan trọng hơn nữa là tự thân DN đã nỗ lực để vượt qua khó khăn do logistics, chi phí sản xuất... tăng cao.

Tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, năm 2022 qua đi, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 28% so với năm trước, công ty cũng phát triển lượng khách hàng mới tăng hơn 50%. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc công ty thông tin, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê khá thuận lợi, đóng góp vào kết quả này có phần nhờ giá cà phê tăng, nguồn cung trong nước vẫn giữ ổn định.

Thêm một tin vui hơn cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh, ngày 9/11 vừa qua Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) chính thức xuất khẩu chính ngạch container mắc ca đầu tiên có tổng trọng lượng hơn 6 tấn sang thị trường Nhật Bản. Đây là đối tác lớn trong các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và là thị trường tiêu thụ mắc ca lớn nhất trên thế giới hiện nay, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc công ty cho hay, xuất khẩu vào thị trường này, DN tận dụng được ưu đãi 0% về thuế. Sản phẩm của DN có mặt tại Nhật Bản sẽ là “bàn đạp” mở ra cơ hội tiến sâu vào các thị trường lớn trên thế giới. 

Nỗ lực đáp ứng tốt yêu cầu thị trường

Việc lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD là một con số hết sức ý nghĩa, nhất là khi các DN vừa trải qua khó khăn chưa từng có của dịch bệnh COVID-19. Hiện, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đang hướng tới nhu cầu và bám sát thị trường, DN đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng, dần hướng đến các thị trường có giá trị cao. Mặc dù vậy, nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp vẫn còn chiếm phần đa.

Bên cạnh đó, theo phân tích của nhiều DN, dù đạt được kết quả tích cực nhưng khó khăn vẫn còn bởi giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, cước phí vận chuyển chưa thể giảm, thị trường có nhiều biến động khó lường. Đặc biệt, yêu cầu thị trường ngày càng nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm là những thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu của DN trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, lô hàng mắc ca vừa xuất đi, ngoài đáp ứng các tiêu chí chất lượng để vào thị trường Nhật Bản, DN phải thỏa mãn những tiêu chí riêng do phía đối tác đưa ra như: test bằng máy dò kim loại để bảo đảm sản phẩm không có thành phần khác ngoài hạt mắc ca, test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật về hàm lượng các chất có trong hạt; sản phẩm yêu cầu phải có sự khác biệt về hương vị... Bên cạnh chỉ định DN test, phía đối tác cũng tiến hành test độc lập để kiểm tra, đánh giá. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong ngành nông nghiệp từ xây dựng chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao tỷ trọng hàng tinh chế... để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) ký kết chương trình hợp tác với đối tác Nhật Bản.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay, việc gắn kết hệ thống vùng nguyên liệu, hợp tác với nông dân là chiến lược quan trọng, phù hợp, bảo đảm cho sự phát triển bền vững tại DN. Mục tiêu quan trọng là khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, đạt chuẩn vào những thị trường khó tính. Năm 2023, đơn vị dự kiến mở rộng vùng nguyên liệu từ 40.000 lên 50.000 ha. Cùng với đó, đầu tư phát triển hệ thống chế biến trực tiếp tại vùng nguyên liệu để giảm chi phí vận chuyển và tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành DN, mở rộng tìm kiếm đối tác, thị trường; và có cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế nhằm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.

Cà phê tiếp tục khẳng định là cây trồng chủ lực và có uy thế cạnh tranh của tỉnh. Theo Sở Công Thương, năm 2022, mặt hàng này xuất khẩu cán mốc 380.000 tấn, đạt kim ngạch xấp xỉ 800 triệu USD. Đây là mặt hàng có giá trị xuẩt khẩu lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.

Đỗ Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.