Áp lực giá cả tăng
Sự biến động của giá xăng, gas ảnh hưởng đến vật giá trên thị trường, kéo theo nỗi lo. Giá nhiên liệu và vật giá đang có xu hướng tăng càng thêm sức ép chi tiêu cho người tiêu dùng, đồng thời doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cũng chịu áp lực lớn.
Khi giá gas, xăng tăng cao
Kỳ điều hành giá mới đây nhất (ngày 13/2) liên bộ Công thương - Tài chính đã tăng giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng. Tại thị trường Đắk lắk, giá xăng tăng 550 - 630 đồng/lít, xăng Ron95-III hiện đã vượt ngưỡng 24.000 đồng/lít. Như vậy, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, xăng đã có 3 lần tăng giá.
Giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá vốn cấu thành để tạo ra sản phẩm tăng lên. Điều này tác động đến giá thành sản phẩm khiến giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường tăng theo.
Giá xăng tăng ảnh hưởng đến chi tiêu của nhiều gia đình. (Trong ảnh: Khách mua xăng tại cửa hàng của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên). |
Cùng với xăng, gas là một trong những mặt hàng thiết yếu. Từ đầu tháng 2/2023, giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh do chịu tác động từ giá gas thế giới. Hiện, mỗi bình gas loại 12 kg có giá 430.000 đồng/bình, tức đã tăng 65.000 đồng/bình so với trước.
Giá xăng, gas tăng cao khiến nguy cơ hàng hóa thiết lập mặt bằng giá mới, làm ảnh hưởng đến đời sống thị trường, các hộ kinh doanh bán lẻ, dịch vụ cũng như tăng thêm gánh nặng chi tiêu cho nhiều người tiêu dùng.
Khảo sát nhiều chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, hàng hóa nhập về chợ khá dồi dào nhưng giá vẫn cao do chi phí vận chuyển tăng. Trong đó, thực phẩm khô là mặt hàng liên quan nhiều đến chi phí vận chuyển. Trong khi sức mua ở chợ khá yếu.
Chị Võ Thị Kiều, tiểu thương ngành thực phẩm chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, thông thường sau rằm tháng Giêng sức mua ở chợ được nhích lên dần. Song, đến hiện tại, sức tiêu thụ ở chợ giảm sâu đến 80% so với bình thường. Trong khi đó, giá nhiều loại hàng hóa lại tăng cao, người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Đơn cử như dầu ăn là mặt hàng tăng giá mạnh nhất, với mức 7.000 - 8.000 đồng/chai loại 1 lít, hiện có giá 62.000 đồng; nước mắm cũng tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi chai loại 1 lít.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 0,74% so với tháng trước đó. Trong đó, nhóm giao thông tăng nhiều nhất trong tháng với mức 1,36% do biến động tăng của giá xăng, dầu. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,02%. Cụ thể, nhiều mặt hàng thiết yếu trong nhóm này có chỉ số giá tăng mạnh. Chẳng hạn như, chỉ số giá nhóm mặt hàng thực phẩm tăng đến 1,42%, lương thực tăng 0,3%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,27%...
Gồng gánh chi tiêu
Vấn đề giá cả, nhất là mặt hàng xăng và gas luôn được người tiêu dùng quan tâm. Giá xăng tăng cộng thêm giá gas cũng tăng mạnh đã tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều áp lực không nhỏ đối với người dân.
Ra Tết, chị Nguyễn Thị Hồng (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đau đầu với các khoản chi tiêu cho gia đình. Theo chị Hồng, trước đây chị chi tiêu khoảng 200.000 đồng/ngày là đủ cho cả gia đình bốn người, nhưng giờ thực phẩm, thậm chí các loại gia vị, đồ khô cũng tăng cao nên số tiền trên chi tiêu không đủ. Đó là chưa kể, tiền gas đã tăng 15% so với trước. Và bài toán mà chị Hồng phải cân nhắc mỗi ngày là tính toán làm sao để tiết giảm chi phí nhất có thể.
Giá tăng, người tiêu dùng cân nhắc hơn khi chọn mua hàng hóa. |
Giá cả tăng làm cuộc sống của nhiều gia đình càng thêm áp lực. Theo chị Phan Thị Lương (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), nhiều mặt hàng thiết yếu như: gas, xăng, thực phẩm tăng giá đòi hỏi chị phải tính toán để cân bằng tài chính. Mỗi ngày, chị phải siết chặt chi tiêu hơn để phòng ngừa phát sinh ngoài chi phí.
Mặt bằng giá tiêu dùng biến động cũng đã tạo sức ép không nhỏ đến các tiểu thương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Anh Nguyễn Văn Huyên, quán ăn Ngọc Mai (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi giá gas tăng đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Trung bình mỗi tháng, anh sử dụng 12 - 13 bình gas (loại 12 kg/bình), cứ mỗi bình tăng lên 65.000 đồng thì chi phí cũng “đội” thêm hơn 800.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, thực phẩm để chế biến cũng tăng nên anh phải cân đối lại các khoản chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá bán đầu ra đối với mỗi món ăn, bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh.
Vật giá tăng đang tạo sức ép lớn cho đời sống của người dân. Trước thực tế trên, người tiêu dùng và doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh mong muốn Nhà nước có chính sách hợp lý để bình ổn thị trường, đặc biệt có biện pháp, giảm các loại thuế, phí nhằm giảm giá xăng, dầu bởi đây là loại hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến khâu vận chuyển, cấu thành giá thành sản phẩm.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc