Những thách thức với đô thị cà phê
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đi qua đã chính thức thiết đặt một mục tiêu rõ ràng cho đô thị Buôn Ma Thuột: phấn đấu là đô thị của cà phê thế giới, điểm hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa cà phê. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến định hướng phát triển các thương hiệu cà phê địa phương trong thời gian tới?
Theo một số nhà tư vấn, cũng như đại diện doanh nghiệp kinh doanh và tiêu thụ cà phê, có ít nhất ba thách thức trong định hướng xây dựng một đô thị cà phê. Đó là áp lực cạnh tranh sản phẩm bên ngoài, áp lực đa dạng hóa sản phẩm thị trường và áp lực thương hiệu sản phẩm.
Áp lực cà phê nhập khẩu
Hoàng và nhóm bạn cùng kinh doanh cà phê tại Hà Nội đã có mặt ở Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 chỉ để xác minh một vấn đề: có cơ hội nhập khẩu cà phê từ bên ngoài vào và bán tại chính thủ phủ cà phê hay không? Sau mấy ngày khảo sát, anh kết luận đầy bất ngờ: cà phê nhập khẩu sẽ rất dễ “đánh thắng cà phê Buôn Ma Thuột tại ngay sân nhà”.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê định vị lại hợp lý các tiêu chí hàng hóa và triển khai thương hiệu trồng – chế biến – tiêu dùng cà phê. Ảnh: Hoàng Gia |
Hoàng cho biết, hơn hai năm qua, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, anh và những cộng sự của mình đã khá thành công khi nhập khẩu cà phê về bán tại Hà Nội. Nhiều khách hàng thuận mua cà phê nhập khẩu dù giá đắt hơn nhiều so với cà phê nội địa, lý do là cà phê bên ngoài được sản xuất với quy trình chặt chẽ, bảo đảm chất lượng hơn, và cách thức pha chế, thưởng thức cũng khác biệt. Ban đầu vì tò mò, nhiều người thử dùng cà phê nhập khẩu, và sau đó đánh giá cao chất lượng các sản phẩm ấy, nhất là các loại cà phê có tên tuổi nhập từ châu Phi, Nam Mỹ… “Có một tâm lý rất lớn ở đa số người tiêu dùng Việt Nam, là sính ngoại. Đây là thực tế không thể chối cãi. Do đó, nếu đem một nhãn hàng cà phê cao cấp nào đó từ bên ngoài vào, mở tiệm bán tại Buôn Ma Thuột, sẽ là một câu chuyện nhanh chóng lan tỏa và nhiều người sẽ đến thưởng thức. Thách thức cạnh tranh vì thế rất lớn, rất nguy cơ cho chính cà phê ở đây”, Hoàng nhấn mạnh như vậy.
Rõ ràng trong tư duy của giới kinh doanh, khi cà phê Buôn Ma Thuột định vị đẩy mạnh xuất khẩu từ vị thế thủ phủ quy tụ cà phê thế giới, đô thị này cũng phải chấp nhận trở thành điểm hẹn tiêu thụ các loại cà phê nhập khẩu. Khi đó, các sản phẩm, thương hiệu cà phê nội địa và nhập khẩu sẽ trực tiếp cạnh tranh; và liệu cà phê Buôn Ma Thuột có đủ năng lực giành ưu thế?
Cần những tiêu chí và thương hiệu chuẩn mực
Đại diện một thương hiệu cà phê khá lâu năm ở TP. Buôn Ma Thuột tâm tư, rất khó nói khi đối đầu với cà phê nhập khẩu, sản phẩm bản địa được chọn nhiều hơn. Vì lâu nay, cà phê Buôn Ma Thuột có số lượng nhiều nhưng phân tán nhãn hàng, các tiêu chí thống nhất về chất lượng khá manh mún. Ngoại trừ cà phê Trung Nguyên có sách lược thị trường áp đảo, các loại cà phê bản địa khác rất dễ bị lu mờ trước những tên tuổi chính thức từ bên ngoài. Thách thức giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất cà phê địa phương khi ra ngoài vì thế sẽ rất lớn.
Pha chế cà phê phục vụ du khách tại phố đi bộ Phan Đình Giót trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Hoàng Gia |
Đồng thời, đa phần cà phê Buôn Ma Thuột đang được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu hạt thô, tỷ lệ cà phê được chế biến chuyên sâu, đa dạng sản phẩm từ cà phê là thấp. Do đó, khi đối diện với một lượng lớn các nhãn hàng sản phẩm từ cà phê mà bên ngoài có thể nhập khẩu vào, cà phê Buôn Ma Thuột sẽ bị yếu thế. Từ bánh kẹo, bột pha chế cho đến các loại cà phê hòa tan, cà phê chế biến đặc trưng…, cà phê Buôn Ma Thuột sẽ không thể hấp dẫn và đa dạng bằng sản phẩm cà phê nhập khẩu.
Như vậy ngay thời điểm vừa đặt định vị phải trở thành đô thị của cà phê thế giới, TP. Buôn Ma Thuột đã đối diện bài toán thách thức về giá trị sản phẩm, sức tiêu thụ trên thị trường. Điều này đòi hỏi các cấp quản lý, ban, ngành chức năng phải lập tức vào cuộc, xem xét chính năng lực sản xuất, tiêu thụ của cà phê địa phương. Không thể chỉ là những con số báo cáo chung chung về trữ lượng cà phê trồng được, các nhà quản lý cần có ngay chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người nông dân trồng cà phê, định vị lại hợp lý các tiêu chí hàng hóa và triển khai thương hiệu trồng – chế biến – tiêu dùng cà phê địa phương.
Nếu không, khi Buôn Ma Thuột khẳng định vị thế một đô thị cà phê, có cả chiều hướng xuất và nhập khẩu cà phê, cùng các sản phẩm chế biến từ cà phê, chắc chắn áp lực tiêu thụ lượng cà phê trồng tại chỗ sẽ rất lớn. Đó là chưa nói đến một lượng lớn hàng hóa từ nguyên liệu cà phê, pha chế từ cà phê của các tỉnh thành khác trong nước, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đổ về tiêu thụ trong thời gian tới, sẽ càng khiến hạt cà phê địa phương rơi vào thế yếu hơn nữa.
Rõ ràng với khát vọng vươn tầm giá trị cà phê của Buôn Ma Thuột, có đầy đủ tiềm lực để thể hiện, hình ảnh một đô thị thủ phủ cà phê cao nguyên là rất có cơ sở. Nhưng khi nhìn vào chính năng lực nội tại, chất lượng bền vững của hạt cà phê bản địa, với các tiêu chí sản lượng cụ thể thì cũng còn những điều không thể không băn khoăn. Đó là chưa nói đến thực trạng diện tích cà phê địa phương còn đang sút giảm, việc canh tác cà phê đang bị nhiều áp lực đầu vào chi phối, nông dân thiếu các cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học, nguồn giống tốt…
Tất cả đang đặt ra một bài toán cực kỳ nan giải cho cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk nói riêng và các loại nông sản giá trị địa phương nói chung. Không thể chỉ nhìn hướng xây dựng đô thị cà phê ở góc độ lạc quan, bỏ qua những nguy cơ, thách thức. Trái lại, ngay từ bây giờ, Buôn Ma Thuột cần rà soát, kiến thiết lại nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng “hạt cà phê Ban Mê”. Như thế, thành phố này mới có đủ lực để tạo dựng nên một đô thị thủ phủ cà phê thực thụ!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc