“Thủ phủ” Buôn Ma Thuột: Nhìn từ khát vọng cà phê...
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có một tâm thế mới mạnh mẽ hơn những năm trước. Ấy là thành phố đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thủ phủ cà phê thế giới, đi cùng cơ hội tiếp cận, hội nhập các đơn hàng xuất khẩu cà phê quy mô và chất lượng hơn.
Còn những thiếu hụt nào?
Có một câu hỏi gai góc được đặt ra với chính những nông dân trồng cà phê Buôn Ma Thuột: Có thật sự tầm vóc sản xuất và giá trị đầu tư hạt cà phê Ban Mê đủ sánh ngang với những thương hiệu, sản phẩm cà phê thế giới? Người dân Đắk Lắk có thể tự hào khoe lịch sử phát triển cây cà phê trên mảnh đất này không hề thua kém một vùng đất danh giá nào về nông sản giá trị. Thậm chí với chất đất đỏ cao nguyên, những tinh túy từ hạt cà phê Ban Mê – Đắk Lắk đã đủ sức làm say đắm không ít lòng người yêu hạt đắng thiên nhiên.
Ước mơ trở thành thủ phủ cà phê, điểm hội tụ cà phê thế giới gom cả một ước mơ xuất khẩu toàn diện, xuất khẩu hàng hóa nông sản chất lượng cao, được đặt ra với cà phê Buôn Ma Thuột (mà thương hiệu Trung Nguyên khởi động lâu nay) xét ra không hề yếm thế. Danh mục những vùng đất, vùng lãnh thổ đã đón nhận hạt cà phê Tây Nguyên có ấn ký Đắk Lắk ngày càng dài hơn, đủ cho thấy cơ sở để Buôn Ma Thuột tự hào “đặt gạch” thủ phủ.
Song có một số vấn đề mà một nhà nghiên cứu văn hóa cà phê Tây Nguyên đã tâm tư, đáng lưu ý với những nhà khoa học, những nhà quản lý và giới sản xuất chuyên canh nơi đây.
Ước mơ nâng tầm hạt cà phê Buôn Ma Thuột luôn là mong mỏi của người nông dân canh tác. |
Đầu tiên là, cà phê Buôn Ma Thuột được định danh, nhưng thang điểm chất lượng, phân loại hạt cà phê vẫn chưa thống nhất, chưa có được sự phân biệt rõ ràng trong mỗi quy trình chuyên canh và chế biến. Chẳng hạn giống Robusta hay Arabica mới là chuẩn giống để Buôn Ma Thuột ưu tiên mở rộng các vùng canh tác? Vì bên ngoài có những đánh giá ưa thích các giống cà phê này khác nhau. Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột liệu đã lập được thang điểm phân tích chất lượng, tỷ lệ thành phần các nhóm sản phẩm cà phê chuẩn mực của mình?
Thứ hai, giá cà phê Buôn Ma Thuột, cho đến nay, vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào những thương lái thời vụ, bấp bênh theo từng mùa thu hoạch. Giá ly cà phê tại đô thị này, dù là quán sang trọng hay ở vỉa hè, đều ở mức thấp đến rất bình dân. Đâu đó ở những vùng quốc gia, giá trị này trái ngược. Những du khách bỏ công đi đến vùng xì gà Cu Ba chuẩn đều phải trả giá cao hơn để được thưởng thức mỗi điếu thuốc thủ công truyền thống. Rượu vang Pháp, Tây Ban Nha cũng vậy, đã đến nơi gốc tích đầu tiên đều có mức giá cao hơn chuẩn bình quân thị trường. Thế thì thủ phủ cà phê Tây Nguyên có tự nhiên tìm thấy những khung giá thưởng thức cà phê chất lượng hơn thì cao hơn?
Các nhà quản lý địa phương nhìn nhận, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ là một cánh cửa mới để tư duy sản xuất, xuất khẩu cà phê địa phương giãn rộng ra, mạnh dạn đặt câu hỏi làm sao để hạt cà phê Tây Nguyên vươn tầm xa hơn. |
Cuối cùng, phía sau những hạt cà phê mộc mạc được rang xay, thủ phủ Buôn Ma Thuột có bao nhiêu chủng loại hàng hóa, sản phẩm được chế biến sâu, ứng dụng các công nghệ thực phẩm chất lượng hơn? Nếu ở thủ phủ chỉ có các quy trình sản xuất thô mộc lâu đời, câu chuyện đỉnh cao sản phẩm có lẽ nên thận trọng!
Khát vọng kết nối
Trong một khảo sát mới đây của ngành sản xuất chế biến cà phê địa phương, đa số phản hồi của các cơ sở sản xuất cà phê Buôn Ma Thuột vẫn tự khiêm tốn đánh giá mình ở mức vừa và nhỏ. Những cơ sở sản xuất, rang xay cà phê dù có thương hiệu riêng vẫn lặng lẽ gói mình lại trong một phạm vi gia đình hay tổ hợp tác. Trừ Tập đoàn Trung Nguyên, bước chân thị trường của rất nhiều nhãn hàng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa dám lấn ra lằn ranh giá trị tinh phẩm. Thực tế này, phải chăng có liên quan đến cả ba điểm băn khoăn mà chuyên gia cà phê đã đặt ra ở trên. Và thực tế thì phía sau ba điểm này, vẫn còn nhiều câu hỏi nữa chưa được giải đáp.
Các nhà quản lý địa phương nhìn nhận, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ là một cánh cửa mới để tư duy sản xuất, xuất khẩu cà phê địa phương giãn rộng ra, mạnh dạn đặt câu hỏi làm sao để hạt cà phê Tây Nguyên vươn tầm xa hơn. Lễ hội lần này coi như sẽ là một dịp trải nghiệm để công chúng xã hội và những nhà đầu tư gần xa hiểu rõ hơn vị thế, hình ảnh và giá trị chất lượng hạt cà phê Ban Mê.
Lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk chia sẻ, nếu nhìn vào diện tích canh tác và sản lượng có được, người ta có thể hài lòng về con số mà Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột đã từng thực hiện, nhưng vậy vẫn chưa đủ. Hạt cà phê Buôn Ma Thuột cần phải được sự quan tâm, đầu tư, thu hút thêm nhiều nguồn lực kinh tế hơn nữa, để có thể phát triển mạnh hơn, tìm ra được những giải pháp cải tạo giống, nâng cao năng suất, chế biến chuyên sâu và phân phối hiệu quả hơn nữa. Việc đó không chỉ nằm ở người nông dân Đắk Lắk, cũng không thể chỉ dựa vào những nhà sản xuất quy mô nhỏ ở địa phương. Nhất là khi TP. Buôn Ma Thuột đã có được cơ chế ưu đãi đặc thù để thay đổi năng lực đầu tư hơn nữa, thì khát vọng nâng tầm hạt cà phê không thể chỉ nằm ở một hình thức lễ hội hay vài chương trình kết nối.
Phía sau khát vọng cà phê, phía sau câu chuyện một lễ hội, phải chăng những nhà quản lý cần nhìn thấy một thế giới cà phê khác biệt và sáng tạo không ngừng?
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc