Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh năng động làm giàu

08:00, 04/04/2023

Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp phát động, nhiều CCB đã vượt khó, năng động trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu…

Năng động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, năm 1999, ông Nguyễn Thanh Hải cùng vợ con rời quê hương Thừa Thiên - Huế vào sinh sống và lập nghiệp ở thôn 2A, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo.

Với số vốn 4 triệu đồng, vợ chồng ông Hải mua được 5 sào đất trồng hoa màu, dần dần tích góp tiền mua thêm đất mở rộng diện tích lên 3 ha. Từ năm 2002 đến 2004, gia đình ông Hải trồng hơn 5.000 trụ tiêu, bình quân mỗi năm thu hơn 12 tấn quả, trở thành nông hộ tiêu biểu về trồng tiêu ở địa phương lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi giá tiêu đang ở mức cao thì trong hai năm 2013, 2014 toàn bộ 3 ha tiêu mắc bệnh chết hết. Trong thời điểm khó khăn đó, ông đã được các đồng đội, đồng chí trong Chi hội CCB thôn và Hội CCB xã động viên, khích lệ tinh thần để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế.

Cựu chiến binh xã Ea H’leo (huyện Ea H'leo) thăm trang trại chăn nuôi bò của hội viên Nguyễn Thanh Hải (thứ hai từ trái sang) ở thôn 2A. Ảnh: T. Ngữ

Năm 2015, từ nguồn vốn đã tích cóp được trong hơn 10 năm trồng tiêu, ông Hải bàn với vợ mua 20 con bò lai với tổng trị giá 500 triệu đồng về chăn nuôi; năm 2016, ông tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng nuôi 50 con dê giống. Là người chịu thương chịu khó, ông vừa nuôi, vừa học hỏi kiến thức chăm sóc bò, dê để áp dụng, giúp đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, đến nay tổng đàn gần 100 con. Hiện nay ngoài bán bò, dê thịt và con giống, ông còn thu gom phân bán cho các nông hộ trên địa bàn. Tổng lợi nhuận từ việc nuôi bò, dê mang lại cho gia đình ông Hải hơn 600 triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, trên diện tích 3 ha trồng tiêu trước đây, vợ chồng ông Hải chuyển sang trồng bơ, sầu riêng và cây ngắn ngày, mỗi năm thu nhập 500 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hải còn là hội viên CCB luôn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Hải còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương, với mức tiền công trên 6 triệu đồng/tháng.

Làm giàu từ mô hình VAC

CCB Phan Tiến Dũng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1972, đến năm 1976 thì xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1979, ông cùng gia đình vào tỉnh Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới. Khi xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) được thành lập, ông Dũng nhận công tác tại Nông trường Cao su 1-5 (nay là Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk – Chi nhánh Nông trường Cư M’gar) và được cấp 7 sào đất trồng cà phê tại khu vực thôn 2, xã Ea Kpam. Lập nghiệp trên vùng quê mới, dù gặp không ít khó khăn, vất vả, song nhờ siêng năng, chịu khó, vợ chồng ông Dũng từng bước mua thêm đất, mở rộng sản xuất.

Cựu chiến binh Phan Tiến Dũng (bên phải) giới thiệu với khách tham quan về mô hình chăn nuôi dê của gia đình. Ảnh: H'Xiu Êban

Trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 2005, ông Dũng nghỉ hưu để tập trung vào phát triển kinh tế gia đình. Sau khi chia đất đai cho các con, vợ chồng ông còn hơn 1,3 ha đất canh tác. Toàn bộ diện tích này ông đều trồng cà phê. Song, do giá cả bấp bênh, chi phí đầu tư cao, cà phê cũng bắt đầu già cỗi và không mang lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2016 ông Dũng quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê của gia đình sang xây dựng mô hình VAC (vườn – ao – chuồng). Ông lần lượt trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau như: tiêu, sầu riêng, bơ, mít, đào hai hồ nuôi cá, làm chuồng trại nuôi dê, bò, lợn, trồng cỏ. Ông Dũng chia sẻ: “Cỏ và các loại lá cây trong vườn để làm thức ăn cho đàn dê, bò; phân của vật nuôi thì bón cho cây trồng. Một hồ thì tôi nuôi cá quanh năm; hồ còn lại thì luân phiên nhau một vụ nuôi cá, một vụ trồng lúa và lấy rơm sau khi thu hoạch lúa để làm thức ăn cho đàn bò… Nhờ vậy tôi chủ động tự tạo nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho gia đình và cho các đàn vật nuôi, giảm được nhiều chi phí đầu tư sản xuất”.

Hiện gia đình ông Dũng có hơn 200 gốc sầu riêng, 500 trụ tiêu, đàn dê 20 con, đàn bò 3 con, đàn lợn 4 con… Mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí đầu tư, gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Trường Ngữ - H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.