Khó khăn trong quản lý thị trường phân bón
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường phân bón của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ.
Thủ đoạn tinh vi
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng là thành lập doanh nghiệp để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp khác, sau đó sử dụng tên thương mại của pháp nhân đó nhằm hợp thức hóa cho các sản phẩm sang chiết, sản xuất phân bón trái phép của mình; hoặc mua nguyên liệu thô rồi pha trộn với một tỷ lệ nhỏ phân bón hợp pháp khác theo tỷ lệ, công thức chưa được kiểm nghiệm để sản xuất ra sản phẩm chưa được cấp phép bán ra thị trường với giá rẻ.
Tinh vi hơn là có nhiều đối tượng thu thập thông tin của doanh nghiệp phân bón hợp pháp khác từ mạng Internet (số quyết định công nhận phân bón lưu hành, địa chỉ sản xuất...) để đặt in bao bì theo thông tin có được rồi tự sản xuất sản phẩm hoặc gom, mua phân bón kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường rồi gắn nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng của một cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Để sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng có thể “tung hoành” trên thị trường, các đối tượng thường đánh vào tâm lý hám lợi của một số đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón vì chiết khấu cao mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng và hướng bà con nông dân mua các sản phẩm này. Mặt khác, do nhận thức của người dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không phân biệt được phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng; thêm vào đó là tâm lý chuộng giá rẻ nên tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Khó khăn trong xử lý
Trước tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Trong năm 2022 và quý I/2023, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về chất lượng phân bón, xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh cũng đã khởi tố 3 vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón” với tổng giá trị hàng hóa vi phạm được phát hiện, thu giữ là hơn 14 tỷ đồng.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính. (Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm phân bón đang bán trên thị trường). |
Chẳng hạn như vào đầu tháng 3/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã kiểm tra, phát hiện trong kho hàng thuộc Công ty TNHH Tập đoàn CT Tây Nguyên (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) chứa 13.560 can chất lỏng ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, xuất xứ USA; hàng nghìn vỏ can, vỏ thùng các tông, tem, nhãn mác chưa sử dụng. Trong khu vực sản xuất có hai máy trộn và nhiều nguyên vật liệu để sản xuất phân bón. Quá trình xác minh, công ty này không có giấy phép sản xuất phân bón, chưa được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép lưu hành phân bón nhưng vẫn sản xuất phân bón. Tổng giá trị hàng hóa là phân bón sản xuất trái phép mà cơ quan điều tra đã thu giữ là hơn 10 tỷ đồng. Đây được xem là vụ việc sản xuất phân bón không rõ nguồn gốc với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
Hay vào tháng 6/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Tấn Đàn (thôn 6, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón. Trước đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện xe tải chở 200 bao phân NPK. Tài xế khai là người chở hàng thuê cho Huỳnh Tấn Đàn và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ số phân bón trên xe. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng khám xét kho phân bón do Đàn làm chủ và thu giữ tang vật vi phạm gồm 259.350 kg phân bón NPK 27-7-7, NPK 16-16-8, NPK 17-17-17 giả và 26.325 kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ dùng để sản xuất phân bón giả. Đàn khai nhận đã mua phân bón kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, sau đó thay đổi bao bì, nhãn mác rồi bán ra thị trường để thu lợi bất chính.
Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã góp phần bình ổn thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh, giảm thiệt hại cho người nông dân. Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm soát thị trường phân bón còn nhiều khó khăn, hạn chế do chế tài xử phạt các vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; việc xử lý khiếu nại về chất lượng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý đối với khiếu nại chất lượng, dẫn đến việc thực hiện thiếu đồng bộ; chưa có hướng dẫn việc tạm giữ hoặc niêm phong hàng hóa đã được lấy mẫu nên khi hàng hóa có kết quả thử nghiệm không phù hợp quy chuẩn quốc gia thì trong thời gian chờ có kết quả, hàng hóa đã bị người vi phạm tẩu tán, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử lý vụ việc, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm của các đoàn kiểm tra liên ngành không thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến rủi ro pháp lý cho người thi hành công vụ…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý việc thực hiện giải quyết khiếu nại về chất lượng, việc tạm giữ hoặc niêm phong hàng hóa đã được lấy mẫu; ban hành quy trình kiểm tra đối với tất cả các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND các cấp thành lập… nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả cao trong việc xử lý vi phạm; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. |
Minh Tâm
Ý kiến bạn đọc