Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với Hàn Quốc

09:12, 03/09/2023

Thời gian qua, hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa tỉnh Đắk Lắk với các tổ chức, địa phương của Hàn Quốc đã mang lại hiệu quả thiết thực về đối ngoại và kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án thiết thực

Sở Ngoại vụ cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Cụ thể, "Dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ" hoàn thành xây dựng năm 2013, công suất 5.600 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 87,8 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại 62,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 56.000 hộ dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ. Nhằm nâng cao hiệu quả của dự án này, năm 2017, KOICA đã tiếp tục hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk đầu tư “Dự án nâng cao hiệu quả dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ”, với tổng mức đầu tư 19,6 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 14,6 tỷ đồng, quy mô xây dựng gần 39 km đường ống, cung cấp nước cho 2.400 hộ dân địa phương này.

Cùng với đó, "Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên" có tổng mức đầu tư 126,5 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 105,4 tỷ đồng. Dự án đã xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà xưởng, giảng đường và phòng học ngôn ngữ, cung cấp thiết bị và phương tiện phục vụ công tác đào tạo nghề tại trường.

Dự án cấp nước thị xã Buôn Hồ do tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tài trợ.

Thụ hưởng các dự án ODA do KOICA tài trợ, UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, các hạng mục công trình hoạt động hiệu quả, phục vụ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, hiện nay thị xã chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, nên toàn bộ nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cơ quan, các cơ sở kinh doanh…  đều xả vào bể tự hoại, hố tự hoại tự thấm, hệ thống thoát nước mưa hay xả trực tiếp ra môi trường. Do đó, địa phương đã đề xuất KOICA tài trợ thực hiện "Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thị xã Buôn Hồ". Dự án này gồm các hạng mục: xây dựng hệ thống thoát nước thải, với tổng chiều dài khoảng 31 km; hệ thống đấu nối khoảng 4.000 hộ dân; trạm xử lý nước thải công suất 800 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 5,4 triệu USD, trong đó KOICA tài trợ 5 triệu USD. Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn cho biết, ngày 22/8/2023, đoàn công tác của tổ chức này đã đến địa phương để khảo sát về khả năng triển khai dự án. Để bảo đảm quy mô, tiêu chuẩn đô thị loại III, dự án được đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên 9,2 triệu USD, trong đó vốn tài trợ 8,4 triệu USD. Nhà tài trợ rất quan tâm đến dự án này và qua khảo sát thì dự án cũng đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của họ nên địa phương rất mong dự án này sớm được phê duyệt, triển khai.

Một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã mang lại hiệu ứng tích cực là "Dự án Trung tâm Đào tạo tiếng Hàn Quốc (JVEC)" do Hiệp hội Pháp nhân Hội đồng xúc tiến giao lưu Jeonbuk - Việt Nam triển khai, được cấp phép hoạt động giáo dục từ tháng 3/2019, với tổng vốn đăng ký 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng). Dự án này hoạt động với mục tiêu dạy tiếng Hàn Quốc miễn phí cho những đối tượng tham gia các hoạt động giao lưu giữa hai tỉnh, cung cấp dịch vụ biên dịch, phiên dịch và đào tạo tiếng Hàn Quốc cho các đối tượng khác có nhu cầu. Đến nay, trung tâm đã tổ chức dạy tiếng Hàn Quốc miễn phí cho 294 lượt công chức, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh các dự án ODA và FDI, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận 18 khoản viện trợ nhân đạo (NGO), tổng giá trị hơn 558.000 USD (hơn 12,8 tỷ đồng) trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, bảo trợ xã hội từ 4 tổ chức, 2 cá nhân Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thời gian qua, các nhà tài trợ Hàn Quốc còn tổ chức một số đoàn tình nguyện viên sang tham gia hoạt động thiện nguyện, giao lưu văn hóa với địa phương.

Tăng cường hợp tác cấp địa phương

Nổi bật trong hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với Hàn Quốc là quan hệ hợp tác song phương giữa UBND tỉnh Đắk Lắk với chính quyền tỉnh Jeollabuk. Hai tỉnh đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 12/2017. Hoạt động hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực, như: thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao; tổ chức các đoàn biểu diễn, giao lưu văn hóa truyền thống; hợp tác quảng bá thông tin tiềm năng, thế mạnh, văn hóa, du lịch của nhau; thiết lập quan hệ hợp tác giữa Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên với Trường PTTH Jeonju; đào tạo ngắn hạn trong nông nghiệp, cơ khí; đào tạo tiếng Hàn Quốc miễn phí; kết nối doanh nghiệp hai tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở hai địa phương; hợp tác triển khai các dự án hỗ trợ nhân đạo, phát triển; phái cử 111 lượt người lao động huyện Ea Súp đi làm việc thời vụ trong nông nghiệp tại thành phố Iksan. Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Đắk Lắk với các tổ chức nhân dân tại tỉnh Jeollabuk để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương và tranh thủ kêu gọi viện trợ nhân đạo - phát triển cho các địa phương còn khó khăn trong tỉnh.

Đoàn nghệ thuật đường phố tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) biểu diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7.

Mới đây, đại diện thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cũng đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về triển vọng hợp tác. Thành phố Goyang nói riêng và tỉnh Gyeonggi nói chung có thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí nông nghiệp và là trung tâm công nghiệp điện ảnh và hội nghị của Hàn Quốc. Tỉnh bạn đề xuất hợp tác với Đắk Lắk về chế biến, xuất nhập khẩu cà phê, tổ chức triển lãm, hội nghị giao thương quốc tế về các sản phẩm cà phê, công nghệ chế biến cà phê. Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk mong muốn tăng sản lượng xuất khẩu cà phê, tiêu, điều… sang thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, hợp tác, thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện và trường học chất lượng cao; tiếp cận vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ Hàn Quốc… Ông Oh Jun Hwan, Giám đốc Hội chợ hoa thành phố Goyang kỳ vọng, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gyeonggi có thể kết nối xây dựng tour du lịch và cùng kết hợp tổ chức quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột với Lễ hội hoa của thành phố Goyang, Bên cạnh cạnh đó, hai bên có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực: sản xuất xe máy, công nghiệp điện ảnh, văn hóa và du lịch.

Ngoài tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), hiện nay UBND tỉnh Đắk Lắk đang có quan hệ hợp tác với chính quyền tỉnh Orkhon (Mông Cổ), Champasak (Lào). Bên cạnh đó, TP. Buôn Ma Thuột cũng có sự hợp tác với Hội đồng TP. Goulburn (Úc).

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.