Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư phát triển nhà ở: Từng bước cân đối cung - cầu

08:56, 10/09/2023

Hướng đến mục tiêu từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân, đồng thời tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn.

Tăng nhu cầu nhà ở

Thuận theo xu thế đô thị hóa toàn cầu, tốc độ đô thị hóa của Đắk Lắk cũng sẽ tăng theo từng năm. Kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở của người dân cũng ngày một gia tăng, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Chị L.T.H. (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, gia đình chị từ Thanh Hóa vào làm ăn sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột đã hơn mười năm, nhưng đến nay vẫn đang ở nhà trọ. Do thu nhập của hai vợ chồng chị mỗi tháng chỉ tầm 5 triệu đồng, chủ yếu từ đi làm thuê nên lo được chi phí sinh hoạt và cho bốn người con ăn học đã quá chật vật chứ nói gì đến chuyện mua đất, mua nhà.

Một góc Dự án Khu đô thị dân cư Km7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Hay như anh N.N.H. (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang làm công nhân cho một doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân An với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng cũng đang phải ở nhà thuê. Vợ anh may sửa quần áo tại nhà với thu nhập ít ỏi nên hằng tháng để lo được chi phí ăn học của hai đứa con và trang trải các khoản chi tiêu cho gia đình đã là một sự chắt chiu lớn. Vì vậy, để mua được nhà đối với gia đình anh là chuyện rất khó, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030. Với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng ngân sách chi tiêu dành cho nhà ở không thay đổi nhiều, trong khi nguồn cung nhà ở đạt được từ thực tế còn một khoảng cách lớn so với nhu cầu cũng như kỳ vọng đặt ra. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với khoảng 155.800 căn, tương đương với tổng diện tích 7,8 triệu m2. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai và đưa vào sử dụng 1 dự án (Dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập dành cho cán bộ, công chức, viên chức) tại khu dân cư Km4-5, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), với tổng số 180 căn, trong đó có 140 căn bán và cho thuê 40 căn. Dự án này mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở xã hội cho công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Ngoài ra, có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập và 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng cho biết, hiện nay, tuy cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội ngày càng nhiều, nhưng chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhuận thấp. Hiện cũng chưa có cơ chế riêng cho loại hình nhà ở xã hội. Hơn nữa quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian. Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp nên các nhà đầu tư chưa tham gia nhiều.

Đảm bảo nguồn cung

Để rút ngắn khoảng cách giữa nguồn cung và nhu cầu nhà ở của người dân, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ với nhiều giải pháp đang được quyết liệt thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp và phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững. Đơn cử như việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 3/4/2023 về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó giao chỉ tiêu nhà ở xã hội cho tỉnh Đắk Lắk hoàn thành trong giai đoạn 2022 – 2025 là 9.000 căn và giai đoạn 2026 – 2030 là 9.800 căn.

Một góc Dự án đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.

Ngày 14/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có mục tiêu ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu diện tích sàn nhà ở xã hội đến năm 2025 tăng 529.193 m2, năm 2030 tăng 592.588 m2. Đây là cơ sở để kêu gọi đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh thuyết minh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch năm 2023 nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 16/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Là trung tâm của tỉnh, cũng là địa phương tập trung nhiều dự án phát triển nhà ở, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang thực hiện đổi mới mô hình phát triển đô thị song song với quá trình điều chỉnh tổng thể, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân.

Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc đầu tư phát triển nhà ở góp phần thúc đẩy xây dựng phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Vì vậy, UBND TP. Buôn Ma Thuột cùng các sở, ban, ngành liên quan đã xác định quy mô đất đai để phục vụ cho việc xây dựng đô thị, nhất là các khu đô thị mới đã được quy hoạch, bố trí hợp lý và đúng với tiêu chí đặt ra cho đô thị loại I cấp vùng.

Trong năm 2023, thành phố cũng sẽ tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư những dự án hạ tầng khung theo quy hoạch được duyệt và phù hợp với tình hình thực tế quản lý phát triển đô thị hiện nay để tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, vốn vay, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt là phối hợp với nhà đầu tư của các dự án đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận nhằm tạo mọi thuận lợi để triển khai và hoàn thiện, đảm bảo tiến độ hoàn thành sớm các dự án trên địa bàn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.