Người dân vùng “rốn” lũ "đánh bạc với trời"
Chưa đầy một tháng, hai cơn lũ liên tiếp ập đến trong vụ hè thu năm 2023 khiến người dân ở vùng trũng của huyện Lắk và Krông Ana "trở tay không kịp". Mưa lớn không chỉ gây thiệt hại về người mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.
Lũ chồng lũ
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Saola), gió Tây Nam hoạt động mạnh, từ ngày 1 – 4/9 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, với lượng mưa đo được phổ biến đạt từ 50 – 100 mm; một số điểm mưa lớn đạt trên 200 mm. Mưa lớn đã gây ra lũ, ngập úng nhiều cánh đồng lúa tại một số khu vực trũng thấp trên địa bàn các huyện Lắk và Krông Ana.
Ông Lại Ngọc Sỹ, xã Buôn Tría (huyện Lắk) kiểm tra lúa vụ hè thu của gia đình sau nhiều ngày bị ngập lụt. |
Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, vào cuối tháng 7/2023, khi lúa vụ hè thu đang thời kỳ làm đòng, trổ bông thì cơn bão số 2 ập đến gây mưa lũ, nhấn chìm hơn 2.000 ha lúa nước của người dân trên địa bàn huyện. Sau lũ, bà con tranh thủ nạo vét kênh mương và chăm sóc cây trồng với hy vọng “còn nước còn tát”. Thế nhưng, lúa chưa kịp thu hoạch thì bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa dông kéo dài nhiều giờ, nước ở các dòng suối Đắk Liêng, Đắk Phơi tràn về, kết hợp với nước sông Krông Ana dâng cao khiến gần 1.000 ha cây trồng, chủ yếu là lúa nước trên địa bàn huyện bị ngập lụt. Trong đó, nhiều nhất là xã Buôn Triết với diện tích bị ngập 407 ha, xã Buôn Tría 243 ha, xã Đắk Nuê 128 ha, xã Đắk Liêng 80 ha, còn lại rải rác ở các xã và thị trấn Liên Sơn.
Ông Lại Ngọc Sỹ, thôn Liên Kết 1 (xã Buôn Tría) buồn rầu than thở: Vụ hè thu năm nay gia đình ông gieo sạ 6 ha lúa nước, trong đó do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vào cuối tháng 7 khiến 2 ha mất trắng, số diện tích còn lại nếu thời tiết thuận lợi thì trong vòng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch xong. Thế nhưng, đợt mưa lớn mới đây khiến bà con không kịp trở tay, người dân đã huy động tối đa các máy gặt để “chạy lũ” cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp.
Tương tự, tại huyện Krông Ana, các cánh đồng chưa kịp phục hồi sau trận lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 2 thì mưa lũ bởi cơn bão số 3 ập đến khiến gần 427 ha bị ngập úng, tập trung ở các xã: Dur Kmăl, Quảng Điền, Ea Na, Bình Hòa, Dray Sáp và thị trấn Buôn Trấp.
Người dân xã Buôn Tría, huyện Lắk đưa thóc sau thu hoạch ra đồng đãi qua lớp bùn bẩn. |
Ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (huyện Krông Ana) cho biết, diện tích lúa hè thu của HTX hơn 800 ha, trong mấy ngày mưa lớn, bà con tranh thủ gặt "chạy lũ" được khoảng 300 – 400 ha; hiện có khoảng 80 ha bị ngập sâu có khả năng mất trắng. Trong mấy ngày nay, hệ thống máy bơm của HTX vận hành hết công suất để bơm nước từ ruộng ra nhằm hạn chế thiệt hại cho các thửa ruộng đang chuẩn bị gặt.
Tập trung khôi phục sản xuất
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo Phương án số 2485/PA-UBND ngày 28/3/2023; chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ tại Công văn số 6495/UBND-NNMT ngày 1/8/2023. Các địa phương cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho biết, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT và UBND các xã, thị trấn kịp thời chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn theo dõi sát sao diễn biến tình hình mưa lũ; triển khai các biện pháp chống úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn, vận động người dân thu hoạch ở những nơi trũng thấp để giảm thiểu thiệt hại do ngập úng gây ra. UBND xã Quảng Điền đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Điện Bàn huy động lực lượng tổ chức khắc phục kịp thời sự cố vỡ đê bao tại xã Quảng Điền. Hiện tại đã khắc phục tạm thời, ngăn dòng nước chảy tràn qua đê bao. Bên cạnh đó, UBND xã Bình Hòa huy động lực lượng đắp 1 km bờ bao để ngăn nước tràn vào các diện tích sản xuất lúa nước của người dân. UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa "chạy lũ", hạn chế thiệt hại do ngập úng gây ra. Các HTX tăng cường sử dụng máy bơm các loại để triển khai kịp thời công tác chống úng ngập cho các diện tích lúa, gia cố các đoạn đê bị nước tràn qua nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra đối với sản xuất của người dân.
Lúa bị ngập lụt được nông dân huyện Krông Ana gặt thủ công và tuốt tại đồng. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lắk, vụ hè thu năm 2023, toàn huyện gieo trồng trên 12.000 ha cây trồng các loại, trong đó riêng lúa nước gần 7.700 ha. Thế nhưng, hằng năm việc sản xuất, thu hoạch nông sản nói chung, lúa nước nói riêng của bà con vẫn như “đánh bạc với trời”, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Vụ hè thu năm nay là năm thứ hai liên tiếp địa phương phải gánh chịu thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã nhanh chóng thống kê diện tích thiệt hại để có phương án hỗ trợ bà con.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động trong các tình huống; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trường hợp cần thiết phải chủ động di dời người dân đến nơi an toàn; vận động nông dân khẩn trương thu hoạch sớm các diện tích bị ngập với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tính đến ngày 5/9, đã có khoảng 1.300 ha lúa bị ngập úng; sạt lở đất làm hư hỏng 1 nhà dân và ngập cục bộ 66 nhà dân. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Lắk đã có 1 người chết và 1 người mất tích do bị lũ cuốn. |
Hoàng Tuyết - Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc