Multimedia Đọc Báo in

Số vụ vi phạm lâm luật giảm 199 vụ so với năm 2022

20:36, 08/12/2023

Chiều 8/12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác kiểm lâm năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Toàn tỉnh hiện có 497.018 ha rừng; trong đó có 413.845 ha rừng tự nhiên, 83.173 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,03%. Trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động lực lượng, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, truy quét các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện, xử lý 974 vụ vi phạm lâm luật (giảm 199 vụ so với cùng kỳ năm 2022), tịch thu 355,79m3 gỗ, 127 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách 1,372 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại các địa phương, đã phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn chủ rừng triển khai phương án bảo vệ rừng có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các tỉnh giáp ranh tăng cường tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật…

Công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã được chú trọng. Trong năm đã phát hiện, xử lý 4 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, thu giữ 29 cá thể; các cơ sở nuôi nhốt được động vật hoang dã trên địa bàn đã được cấp mã số quản lý…

Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn phát biểu tại Hội nghị

Các Hạt Kiểm lâm, Đội kiểm lâm cơ động PCCCR tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, ký 1.500 bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với người dân; 300 lượt tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô. Toàn tỉnh đã trồng mới được 2.248 ha rừng, đạt 123,7% kế hoạch.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế như: tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương; lâm tặc ngày càng manh động sẵn sàng tấn công lực lượng giữ rừng; các đơn vị chủ rừng không đủ lực lượng chuyên trách, phương tiện và kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có nhiều công ty lâm nghiệp nợ lương nhân viên nhiều tháng…

Bên cạnh đó, quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế nên khó khăn trong công tác thực thi nhiệm vụ.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, Hội nghị đề ra các giải pháp như: Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt quy chế phối hợp với các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, nhất là đối với các vùng trọng điểm, rừng giáp ranh; bố trí cán bộ kiểm lâm thường xuyên bám nắm địa bàn…

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.