Mạnh tay với xử lý vi phạm
Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, thời gian qua, cơ quan chức năng và các địa phương đã chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Tại huyện Krông Ana, từ năm 2020 - 2024, Công an huyện đã phát hiện, xử lý 59 vụ, 37 cá nhân, 2 tổ chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Đối với lĩnh vực vận chuyển, mua bán tài nguyên khoáng sản trên khâu lưu thông, ngành thuế xử lý 9 trường hợp liên quan đến vận chuyển, mua bán sản phẩm có nguồn gốc từ khoáng sản (gạch nung từ đất sét, đất san lấp) tổng số tiền là 68,7 triệu đồng; xử lý 14 trường hợp vi phạm về nộp hồ sơ kê khai thuế, quyết toán thuế, số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn đã kiểm tra, xử lý 21 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt hơn 60 triệu đồng (vi phạm về khai thác sét 14 vụ, vi phạm về khai thác đất san lấp 7 vụ). Huyện Krông Ana cũng chấm dứt hoạt động và di dời 7 cơ sở sản xuất gạch có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ tháo dỡ 5 cơ sở với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.
![]() |
Cánh đồng lúa tại xã Ea Bông (huyện Krông Ana) bị ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác sét làm vật liệu xây dựng. |
Huyện Krông Bông cũng đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn, qua đó lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định.
Cụ thể, năm 2020, cơ quan chức năng huyện Krông Bông đã xử lý 15 vụ việc, với tổng số tiền nộp phạt gần 148 triệu đồng; năm 2021, xử lý 9 vụ, số tiền nộp phạt 25 triệu đồng; năm 2022, xử lý 6 vụ, số tiền nộp phạt 11,7 triệu đồng; năm 2023, xử lý 22 vụ, số tiền nộp phạt là 303 triệu đồng; năm 2024, xử lý 21 vụ, số tiền nộp phạt gần 140 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, có nhiều trường hợp khai thác cát trên địa bàn huyện nhưng phương tiện và doanh nghiệp được cấp phép ở địa phương khác, nên việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, địa phương gặp nhiều khó khăn.
Trong 5 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai 6 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với 39 đơn vị khai thác khoáng sản, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng của Trung ương kiểm tra 22 đơn vị. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, cơ quan thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 25 tổ chức, với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, căn cứ đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 14 đơn vị, tổng số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng.
![]() |
Lực lượng chức năng huyện Krông Bông phát hiện một bãi tập kết cát trái phép. |
Đối với ngành công thương, đã xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 8 tổ chức vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, với tổng số tiền 288 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; điều chỉnh, thay đổi công nghệ khai thác, công suất khai thác so với thiết kế mỏ đã duyệt mà chưa được chấp thuận; vi phạm các quy định về cấp tải, vận chuyển nguyên liệu; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng tiêu chuẩn theo quy định…
Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động khai thác đá, đất san lấp, đất sét; tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép; việc giám sát hoạt động khoáng sản, phối hợp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác trái phép cát, đất đá chưa được thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ.
Đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) cho biết, thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh lớn hơn khả năng cung cấp của các cơ sở khai thác khoáng sản; một số quy định trong lĩnh vực này còn bất cập. Do đó, các đối tượng lợi dụng để lén lút khai thác trái phép, nhất là vào ban đêm, ở những khu vực vùng sâu, vùng giáp ranh giữa các địa phương.
Chính Kiệt
Ý kiến bạn đọc