Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu”
Sáng 21/5, Hội Nông dân huyện Krông Pắc và Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông (VINCO) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu”
Tham gia tọa đàm có: Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ; ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk; Kỹ sư Đặng Văn Thịnh, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông (VINCO).
![]() |
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã trình bày tham luận về: thực trạng sản xuất sầu riêng tỉnh Đắk Lắk và huyện Krông Pắc; các vấn đề liên quan đến chất lượng sầu riêng trong năm 2025; nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng trái sầu riêng; hiện tượng sượng cơm, sượng nước, dư lượng và vai trò quan trọng của canxi đến chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
![]() |
Đại biểu dự tọa đàm. |
Theo đó, diện tích sầu riêng cả nước hiện nay khoảng 178,8 nghìn ha. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước với 38,8 nghìn ha, trong đó diện tích cho thu hoạch sản phẩm năm 2025 khoảng 22,6 nghìn ha (chiếm 58,25%); sản lượng dự kiến năm 2025 ước đạt khoảng 380 - 400 nghìn tấn.
Trên địa bàn tỉnh đã có 3 nhãn hiệu tập thể là Sầu riêng Krông Pắc, Sầu riêng Cư M’gar và Sầu riêng Krông Búk; 68 mã vùng trồng với tổng diện tích 2.500 ha; 24 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu và 11 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh được phía Trung Quốc phê duyệt.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở đóng gói và 229 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 5,5 nghìn ha đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số xuất khẩu. Như vậy, tổng diện tích sầu riêng được phê duyệt và diện tích đang chờ phê duyệt hiện chiếm khoảng 80% diện tích sầu riêng trồng thuần của tỉnh.
![]() |
Nông dân huyện Krông Pắc đặt câu hỏi tại tọa đàm. |
Mặc dù có nhiều thuận lợi và tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành hàng sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu cơ sở pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và hệ thống phòng kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vùng sản xuất sầu riêng hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán chưa phù hợp với quy định của nước nhập khẩu; năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu; việc tuân thủ quy trình sản xuất; quy trình kiểm soát sinh vật gây hại; thu hoạch, sơ chế, đóng gói sầu riêng xuất khẩu…của người sản xuất và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng chưa cao dẫn đến một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã nhận cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (rệp sáp, dư lượng Cadimi, vàng O).
Tại buổi tọa đàm, nông dân đã đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả. Trong đó, tập trung vào nguyên nhân tồn dư cadimi, hướng canh tác nhằm hạn chế nguy cơ tồn lượng cadimi trong sản phẩm, việc điều tiết ra hoa trong điều kiện thời tiết bất lợi, các điều kiện xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu…
![]() |
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ trao đổi thông tin về giải pháp nâng cao chất lượng trái sầu riêng. |
Các chuyên gia, nhà khoa học đã giải đáp, phân tích và đưa ra những giải pháp giúp nông dân “gỡ” những khó khăn trong quá trình sản xuất; hướng dẫn các loại hoạt chất được sử dụng và bị cấm sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng…
![]() |
Nông dân tìm hiểu các sản phẩm của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông. |
Trong dịp này, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông đã giới thiệu đến nông dân giải pháp "Thần tài đột phá - Tạo khác biệt trên cây sầu riêng” với nhiều sản phẩm như: VINCO 79, VINCO BIG, FORCROP 14-6-5, 12 Nutrients, Zero Mix… Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Nông được sản xuất chuyên biệt cho từng giai đoạn: phục hồi sau thu hoạch; phục hồi và tạo bộ rễ mới; tạo dàn lá; ra hoa đậu trái; nuôi trái non; nuôi trái lớn; quản lý bệnh. Đây là những sản phẩm giúp nhà nông có thêm nhiều giải pháp hữu hiệu ứng dụng vào sản xuất nhằm tối đa hóa năng suất, nâng cao chất lượng cây trồng, tăng hiệu quả đầu tư, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc