Multimedia Đọc Báo in

Ea Păl duy trì xã đạt “Vệ sinh toàn xã” bền vững

08:28, 14/07/2022

Ea Păl là một trong hai xã đầu tiên của huyện Ea Kar được chọn tham gia xây dựng xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Đến nay, xã Ea Păl đang duy trì bền vững mô hình “Vệ sinh toàn xã”, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Xã Ea Păl hiện có 2.015 hộ, trên 9.050 khẩu. Để được công nhận xã đạt “Vệ sinh toàn xã”, Ea Păl phải thực hiện đạt các tiêu chí gồm: trường học, trạm y tế xã có nhà vệ sinh và điểm rửa tay bằng xà phòng đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn chiếm trên 70% số hộ; số hộ gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng và nước đạt trên 80%.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl Nguyễn Minh Thuận cho biết, theo số liệu khảo sát đầu kỳ năm 2018, toàn xã chỉ có 55% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 72,5% số hộ có chỗ rửa tay. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí để xây dựng xã đạt “Vệ sinh toàn xã” gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung; trình độ dân trí của một số hộ dân thấp và còn giữ quan niệm “ăn còn chưa đủ lấy gì làm nhà vệ sinh”, hay “khi nào làm nhà thì làm luôn” nên nơi vệ sinh rất tạm bợ, chỉ quây bằng tôn, bạt hoặc đào hố trong vườn; điều kiện kinh tế, đời sống của người dân còn khó khăn, có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Khu nhà vệ sinh của Trạm Y tế xã Ea Păl được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới.

Xác định công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các tiêu chí, xã đã tập trung tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh bằng nhiều hình thức như: qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ của thôn, buôn, các đoàn thể, trong hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với người dân. Bên cạnh đó, căn cứ danh sách đăng ký làm nhà vệ sinh đạt chuẩn, lãnh đạo UBND xã cùng cán bộ trạm y tế, cấp ủy, ban tự quản, đoàn thể các thôn, buôn đã khảo sát, hướng dẫn cụ thể cho từng hộ về quy cách xây dựng theo mẫu của chương trình và tiết kiệm tối đa chi phí. Toàn xã có 100 hộ thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được chọn tham gia chương trình, ngoài kinh phí hỗ trợ là 50 USD/hộ thì còn được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để làm nhà vệ sinh đạt chuẩn. Các hộ cũng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường để xây dựng, sửa chữa công trình vệ sinh, nhà tắm đạt chuẩn.

Cùng với thực hiện vệ sinh hộ gia đình, các trường học và trạm y tế trên địa bàn xã cũng được hưởng lợi từ chương trình. Trường THCS Phan Chu Trinh có trên 800 học sinh thuộc 3 xã Ea Păl, Cư Ni, Ea Ô. Số lượng học sinh đông nhưng khu nhà vệ sinh được đầu tư xây dựng trước đây đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu. Năm 2019, từ nguồn vốn 310 triệu đồng của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới, nhà trường đã xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn với hai khu vệ sinh riêng biệt dành cho nam, nữ, có điểm rửa tay bằng xà phòng và nguồn nước hợp vệ sinh. Thầy Phạm Nguyễn Thiện, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết: Khu nhà vệ sinh đạt chuẩn được đầu tư xây dựng cách xa các dãy phòng học, rất bảo đảm vệ sinh. Để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, nhà trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh chung, biết tiết kiệm nước và rửa tay bằng xà phòng.

Khu nhà vệ sinh của Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl) được hỗ trợ xây dựng đạt các tiêu chí hợp vệ sinh.

Cùng với đó, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường Mầm non Hoa Phượng và Trạm y tế xã Ea Păl cũng được chương trình hỗ trợ xây dựng khu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Sau nhiều nỗ lực, việc thực hiện tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” của xã Ea Păl đã đạt được kết quả tích cực. Đến cuối năm 2020, toàn xã có 73,2% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 85,5% số hộ có chỗ rửa tay hợp vệ sinh, 100% trạm y tế và trường học đạt tiêu chí hợp vệ sinh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl Nguyễn Minh Thuận, kết quả kiểm đếm độc lập của chương trình đã công nhận xã Ea Păl đạt các tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” bền vững. Việc được hưởng lợi từ chương trình đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.