Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường: Lan tỏa từ những mô hình thiết thực

07:03, 27/11/2022

Để góp phần bảo vệ môi trường những năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới cách làm, triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả, qua đó đã tạo dấu ấn, sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nhằm nâng cao ý thức của nhiều bạn trẻ trong việc tái sinh các sản phẩm pin đã hết hạn sử dụng cũng như phân loại rác thải điện tử, Câu lạc bộ (CLB) Một sức khỏe của Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã tổ chức hoạt động “Thu pin cũ”.

Để triển khai có hiệu quả nội dung này, CLB đặt 5 thùng thu gom pin cũ tại bệnh viện và khuôn viên Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Riêng với hoạt động thu gom pin cũ tại nhà, nếu người dân có từ 10 cục pin trở lên, các tình nguyện viên sẽ chủ động liên hệ và đến tận nơi trong TP. Buôn Ma Thuột để thu gom.

Ngoài ra, CLB cũng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân thu gom tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố nhằm tuyên truyền ý nghĩa của hoạt động đến với người dân. Trong đợt ra quân đầu tiên, với khẩu hiệu “Thu pin cũ – Gieo mầm xanh”, chương trình đã thu hơn 15 kg pin cũ. Mỗi người đưa pin cũ đến chương trình đều được tặng những chậu cây sen đá để trang trí giúp nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên và đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất.

Đoàn viên thanh niên xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) ra quân "Ngày chủ nhật xanh" dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường Nguyễn Thị Ái Triêm cho biết, hoạt động “Thu pin cũ – Gieo mầm xanh” hiện có trên 50 thành viên tham gia là giảng viên và sinh viên của nhà trường. Sau khi thu hồi, số lượng pin cũ sẽ được CLB chuyển đến đơn vị xử lý rác thải độc hại để xử lý theo đúng quy định, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Thành lập năm 2017 với 15 thành viên là đoàn viên thanh niên trên địa bàn, Hợp tác xã (HTX) thanh niên Cư Pơng (huyện Krông Búk) đang hoạt động khá hiệu quả. Ngoài lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi thì các thành viên của HTX vẫn đang thực hiện thu gom rác thải ở một số thôn, buôn, khu vực chợ trên địa bàn xã vận chuyển đến bãi rác tập trung của huyện để xử lý, góp phần từng bước giúp người dân địa phương hình thành thói quen tập kết rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, dần xóa hết các "điểm đen" về rác thải. Nhờ vậy, vấn đề vệ sinh môi trường trong thôn, buôn đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần giúp xã thực hiện hiệu quả tiêu chí số 17 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thành viên CLB Một sức khỏe tham gia hoạt động thu gom pin cũ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
 

Với phương châm “Mỗi thanh niên một hành động, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả để lan tỏa đến cộng đồng, cống hiến sức trẻ tham gia xây dựng quê hương”.

 

 Bí thư Tỉnh Đoàn H Giang Niê

 

Xác định tuyên truyền phải đi trước mở đường trong thực hiện các phong trào, thời gian qua Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa thay thế bằng các sản phẩm tái chế đến đoàn viên thanh niên và người dân bằng nhiều hình thức, như qua hệ thống truyền thanh, dựng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu… tại nơi công cộng, cơ quan, đơn vị.

Các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở với nhiều nội dung mới, hiệu quả như: Thành lập, duy trì tốt hoạt động của các đội hình tình nguyện sẵn sàng tham gia khi có nhiệm vụ phát sinh đột xuất như phòng, chống thiên tai, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, ra quân dọn vệ sinh môi trường, đảm nhận chăm sóc cây xanh tại trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà sinh hoạt cộng đồng, trên các tuyến đường và những nơi công cộng.

Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, toàn tỉnh đã thành lập 439 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia trên 2.500 hoạt động tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị và ra quân bảo vệ môi trường; trồng mới hơn 517.000 cây xanh, xây dựng 223 tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh – an toàn” với tổng hơn 834 km; làm mới 53,6 km và sửa chữa 25,2 km đường giao thông nông thôn; thực hiện hơn 122 km thắp sáng đường quê; đảm nhận 505 công trình bảo vệ môi trường trị giá hơn 5,2 tỷ đồng.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.