Multimedia Đọc Báo in

Giải tỏa chợ Pơng Drang cũ cần sự đồng thuận của tiểu thương

08:20, 18/01/2024

Báo Đắk Lắk nhận được đơn cầu cứu của tiểu thương chợ Pơng Drang với nội dung: đề nghị chính quyền huyện Krông Búk lập hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ đền bù cho tiểu thương, giải quyết việc đóng cửa chợ tạm, chợ tự phát, chợ không nằm trong quy hoạch trên địa bàn thị trấn Pơng Drang.

Chợ mới kinh doanh không hiệu quả

Chợ Pơng Drang mới (tổ dân phố 11, thị trấn Pơng Drang) xây dựng gồm 312 điểm kinh doanh, với tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng đi vào hoạt động từ tháng 9/2021 để thay thế chợ Pơng Drang cũ (tổ dân phố 5) đã xuống cấp.

Bà Bùi Thị Anh Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ HTC, chủ đầu tư xây dựng chợ Pơng Drang mới (sau đây gọi là Công ty) cho biết, khi mới đi vào hoạt động, có gần 100 tiểu thương thuê quầy (sạp) kinh doanh. Nhiều tiểu thương dùng toàn bộ tiền tích góp, cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng để thuê điểm kinh doanh, mua sắm vật dụng, trang thiết bị bán hàng. Tuy nhiên, do buôn bán ế ẩm, hàng hóa nhập về hết hạn sử dụng nên chỉ sau vài tháng một số tiểu thương quay về chợ Pơng Drang cũ hoặc nghỉ kinh doanh.

Chợ Pơng Drang mới xây dựng khang trang nhưng tiểu thương không vào kinh doanh. Ảnh: N.Quỳnh

Để thu hút tiểu thương và kích cầu mua sắm tại chợ mới, Công ty ban hành nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm tiền thuê điểm kinh doanh từ 1 - 5 năm; hỗ trợ tiểu thương tiền vận chuyển hàng hóa từ chợ Pơng Drang cũ về chợ mới; giảm tiền điện, nước, rác thải, giữ xe, nhà vệ sinh 12 tháng cho tiểu thương chấp hành tốt việc di dời; tặng phiếu mua hàng… Tuy nhiên tình hình kinh doanh ở chợ mới vẫn ế ẩm. Theo bà Bùi Thị Anh Phong, nguyên nhân là do chợ Pơng Drang cũ chưa được đóng cửa, chợ tự phát không nằm trong quy hoạch trên địa bàn thị trấn vẫn chưa giải tỏa dứt điểm. Các chợ này chủ yếu nằm trên Quốc lộ 14 thuận tiện cho người dân đậu đỗ xe mua hàng, nên tiểu thương chợ Pơng Drang mới không thể buôn bán được.

Giá đền bù, hỗ trợ chưa thỏa đáng

Từ năm 2023 đến nay, UBND huyện đã tổ chức 7 đợt ra quân giải tỏa hành lang an toàn đường bộ các chợ tự phát, tụ điểm kinh doanh không đúng quy hoạch, quy định trên địa bàn thị trấn Pơng Drang. Lực lượng chức năng của huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của Nhà nước về trật tự đô thị, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Đồng thời lập phương án đền bù, hỗ trợ bồi thường để thực hiện Dự án công viên cây xanh tại chợ Pơng Drang cũ. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do các tiểu thương chưa chấp thuận giá đền bù, hỗ trợ của huyện đưa ra.

Bà Nguyễn Thị Long (75 tuổi) chủ 2 ki ốt liền kề trong khu nhà lồng, chợ Pơng Drang cũ cho biết: Mức giá đền bù trong dự thảo do UBND huyện đưa ra khoảng 55 triệu đồng/ki ốt là quá thấp. Năm 1992, bà mua lại 2 ki ốt này với giá 60 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn thời điểm đó, nhưng đơn giá làm căn cứ bồi thường và hỗ trợ tài sản UBND huyện đưa ra quá thấp, không đủ thuê lại 1 ki ốt giá thấp nhất ở chợ mới.

Còn theo chị Nguyễn Thị Dung (SN 1983) chủ quầy hàng quần áo trong chợ Pơng Drang cũ, quá trình giải quyết kiến nghị của tiểu thương, chính quyền huyện không xem xét, tính toán đến việc hỗ trợ đền bù về đất là không thỏa đáng. Tiểu thương chợ Pơng Drang cũ mong muốn UBND huyện đền bù theo giá thị trường hoặc tương đương với mức giá thuê ki ốt ở chợ Pơng Drang mới.

Lực lượng chức năng huyện Krông Búk ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại chợ Pơng Drang cũ. Ảnh: N. Quỳnh

Vận dụng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ tốt nhất cho tiểu thương

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, thời gian qua lãnh đạo huyện, các phòng, ban chức năng và Ban Quản lý chợ Pơng Drang mới đã nhiều lần tổ chức đối thoại, lắng nghe kiến nghị của tiểu thương, cũng như tuyên truyền, giải thích các căn cứ, quy định pháp luật liên quan việc xây dựng chợ mới, phương pháp tính toán giá đền bù, hỗ trợ...

Ngày 3/1/2024, huyện đã công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện Dự án công viên cây xanh tại diện tích đất chợ Pơng Drang cũ. Theo phương án bồi thường, hỗ trợ có 85 hộ gia đình, cá nhân/97 quầy (sạp) được hỗ trợ bồi thường. Tổng diện tích thu hồi là 2.298,2 m2. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và hỗ trợ khác trên 4,2 tỷ đồng.

Lý giải việc một số hộ tiểu thương có ý kiến thắc mắc chính quyền huyện không xem xét, tính toán hỗ trợ đền bù về đất, lãnh đạo UBND huyện cho biết, căn cứ theo Quyết định số 14/2022/QĐ-UBND, ngày 15/12/2022 của UBND tỉnh về ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh thì tổng diện tích thu hồi 2.298,2 m2 ở chợ Pơng Drang cũ là đất công, do Nhà nước quản lý, nên việc người dân yêu cầu hỗ trợ đền bù về đất là không có cơ sở pháp lý. Giấy chứng nhận quyền sử dụng quầy hàng lâu dài được cấp là chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, không phải Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để đóng cửa chợ Pơng Drang cũ, huyện đang thực hiện các bước theo lộ trình. Cụ thể, UBND huyện đã thành lập tổ công tác thực hiện kế hoạch giải tỏa chợ Pơng Drang cũ, các chợ tự phát, tụ điểm kinh doanh buôn bán không đúng quy hoạch, quy định trên địa bàn thị trấn Pơng Drang. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phương án bồi thời thường, hỗ trợ. Sau khi cấp tỉnh phê duyệt quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chủ trương giải tỏa chợ cũ, sớm di dời qua chợ mới. Những hộ tiểu thương không chấp hành di dời, chính quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tòa soạn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.