Không xử phạt hành vi “đi xe không chính chủ”
Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho rằng, người sử dụng phương tiện của người khác tham gia giao thông (đi xe không chính chủ) sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vi phạm hành chính.
Để tránh những thông tin hiểu nhầm gây hoang mang trong dư luận chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Trung tá NGUYỄN VIẾT HẢI, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh để người dân hiểu đúng về các quy định.
* Những ngày gần đây có nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng từ ngày 1/1/2022 người đi xe không chính chủ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ông có thể cho biết có hay không việc xử phạt hành vi nêu trên và những quy định liên quan đến vấn đề này?
Để hiểu cụ thể vấn đề trên, phải hiểu được định nghĩa về chủ xe, đó là tổ chức, cá nhân sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao quyền chiếm hữu, sử dụng hợp pháp cho người khác (bằng giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật). Do vậy, thuật ngữ “xe không chính chủ” là không có nghĩa.
Hiện nay, lực lượng CSGT chỉ tiến hành xử phạt hành vi “không làm thủ tục đăng ký sang tên để chuyển tên chủ xe trong Giấy chứng nhận đăng ký xe sang tên của mình theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là phương tiện giao thông cơ giới”. Do đó, khi tham gia giao thông mà lực lượng CSGT yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra hành chính, người điều khiển chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô, Giấy đăng kiểm xe (áp dụng đối với ô tô). Như vậy, người dân khi tham gia giao thông bằng xe đứng tên của người khác mà do mượn hợp pháp từ bạn bè, người thân thì sẽ không bị phạt về lỗi xe không chính chủ.
* Việc xác minh để phát hiện vi phạm về lỗi không sang tên xe sau khi chuyển quyền sở hữu được lực lượng chức năng thực hiện như thế nào, thưa ông?
Việc xác định lỗi không sang tên xe được thực hiện qua công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông và công tác đăng ký phương tiện xe cơ giới. Việc xác minh để xử phạt hành vi “không làm thủ tục đăng ký sang tên để chuyển tên chủ xe trong Giấy chứng nhận đăng ký xe sang tên của mình theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là phương tiện giao thông cơ giới" là biện pháp nghiệp vụ của ngành công an, được tiến hành khách quan, chính xác, đúng quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân.
Cán bộ Trạm CSGT Krông Búk (Phòng CSGT Công an tỉnh) kiểm tra hành chính người tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Cư M'gar. |
* Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA có đặt ra yêu cầu đối với việc chuyển quyền sở hữu xe, ông có thể cho biết quy định cụ thể tại thông tư này?
Đây là trách nhiệm của chủ xe, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số. Nếu không thực hiện, chủ xe sẽ bị xử phạt hành vi “Không làm thủ tục đăng ký sang tên để chuyển tên chủ xe trong Giấy chứng nhận đăng ký xe sang tên của mình theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là phương tiện giao thông cơ giới”.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ, mức phạt đối với hành vi này cụ thể như sau: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Tuyết (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc