Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

07:25, 03/03/2023

Ngày 2/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea H’leo tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia hội nghị có lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các phòng, ban, ngành đoàn thể, và đại diện Thường trực Đảng ủy, HĐND các xã, thị trấn.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Qua 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật này, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, gồm: thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

Góp ý với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu cho rằng những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về đối tượng cho tặng đất đai, giá đất, tranh chấp đất đai, cơ chế thực hiện dự án, đấu thầu, đấu giá, bồi thường tái định cư, phát triển quỹ đất, phân cấp trong thẩm định giá... nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.

ông Tạ Văn Tẩm – Phó trưởng phòng TN&MT huyện tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Ông Tạ Văn Tẩm, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea H'leo tham gia góp ý.

Một số ý kiến cho rằng tại khoản 10, Điều 3 về Giải thích từ ngữ quy định: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ” là không phù hợp với thực tế. Bởi tại nhiều khu vực hiện nay, có cộng đồng dân cư gồm các gia đình có quê quán khác nhau, tập quán, phong tục, dòng họ khác nhau cùng chung sống.

Tại Điều 152 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, cần quy định rõ, phân tách cụ thể từng trường hợp đất thuộc loại nào ở khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị, dự án có xây dựng nhà ở thương mại, dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ. Đồng thời bổ sung thêm cơ sở giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao và hộ dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai.

Ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ea H’leo tiếp thu, báo cáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh và cơ quan liên quan tổng hợp chuyển tới cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.