Multimedia Đọc Báo in

Kéo giảm tai nạn giao thông: Cần các giải pháp quyết liệt, bền bỉ

09:12, 16/07/2023

Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cả nước có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí.

Song vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng chống đối người thi hành công vụ gia tăng và nhiều vụ tai nạn liên quan đến thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ TNGT, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 762 vụ (13,29%), giảm 484 người chết (14,45%), giảm 214 người bị thương (5,81%).

Gia tăng tình trạng chống người thi hành công vụ

6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng cả nước đã tập trung xử lý vi phạm theo các nhóm chuyên đề, nhờ đó tạo hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần vào việc kiềm giảm TNGT. Đáng chú ý, công tác triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của lực lượng công an đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chuyên đề này được thực hiện quyết liệt và thường xuyên “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Kết quả, lực lượng công an cả nước đã xử lý gần 374.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 22,6%) trong các hành vi vi phạm. Tại tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chuyên đề này, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng đã lập biên bản, xử lý trên 6.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng liên ngành của tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện đoạn qua thị xã Buôn Hồ.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hành vi vi phạm nồng độ cồn không những là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc chống đối người thi hành công vụ. 6 tháng đầu năm nay cả nước có 33 vụ chống lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022, làm 1 cán bộ hy sinh, 15 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Đáng chú ý, có đến 19 vụ do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia (chiếm 57,6%) làm 7 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 4/2023, Công an TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đào Duy Tân (trú xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) say rượu, điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh CSGT, liên tục lăng mạ, chửi tục và đánh cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Cụ thể, vào tối 15/4, khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại đường Phan Bội Châu, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột), một tổ công tác của Phòng CSGT, Công an tỉnh phát hiện Tân điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tại đây, tổ công tác yêu cầu Tân đo nồng độ cồn nhưng Tân không chấp hành, thậm chí còn liên tục chửi bới, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Hay như vụ chống đối người thi hành công vụ tại tỉnh Hòa Bình ngày 2/2/2023, khi Tổ công tác Công an TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại Km142+90m, Quốc lộ 70, thuộc địa phận tổ 9, phường Tân Hòa, phát hiện xe ô tô biển kiểm soát: 28A-130.05 do Đỗ Đình Tám (SN 1957, trú TP. Hòa Bình) đang di chuyển theo hướng TP. Hòa Bình đi xã Yên Mông có dấu hiệu vi phạm. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện, tuy nhiên thay vì chấp hành thì đối tượng này đã cố ý tăng ga rồi đâm thẳng vào cán bộ CSGT.

Lo ngại thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển mô tô

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TNGT do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải còn hạn chế; tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe (GPLX) còn diễn ra khá phổ biến. Đáng lo ngại, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, trong đó có nhiều em chưa đủ tuổi và chưa có GPLX.

Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra lệnh xuất bến của phương tiện tại Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.

Điển hình là vụ TNGT xảy ra vào tối 19/5 trên Quốc lộ 4D, thuộc địa phận thôn Luổng Láo 2, xã Cốc San (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) giữa xe khách, xe bán tải và xe mô tô. Sau cú va chạm, 3 cháu ngồi trên xe mô tô đều đang là học sinh của Trường THCS xã Cốc San (2 cháu SN 2010 và 1 cháu SN 2011) đã tử vong. Hay mới đây nhất là vụ TNGT giữa xe mô tô phân khối lớn và xe máy lưu thông trên đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột, khiến 1 thai phụ tử vong tại chỗ và 1 thiếu niên tử vong khi đưa đến cấp cứu tại bệnh viện.

Sau nhiều vụ TNGT liên quan đến người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, Ủy ban ATGT quốc gia đã có Công điện về việc bảo đảm ATGT cho học sinh. Trong đó, yêu cầu các tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với các trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX và không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Đặc biệt cần tập trung xử lý hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn chỉ rõ, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số hạn chế, TNGT còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Ngoài nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông, công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp kiềm giảm TNGT. Từ đó, Bộ trưởng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện một số giải pháp đảm bảo TTATGT tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi, như: hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. “Các giải pháp cần làm quyết liệt, bền bỉ để kéo giảm TNGT bền vững” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.