Hiệu quả bước đầu của phiên tòa xét xử trực tuyến
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, thời gian qua Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã tổ chức một số phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến. Các phiên tòa đều diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Xác định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến (PTTT) là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu của Tòa án điện tử nên tập thể lãnh đạo TAND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức PTTT và Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn thi hành tổ chức PTTT. Tính đến nay, có tổng cộng 12/16 đơn vị đã tổ chức được 77 phiên tòa xét xử trực tuyến, tạo được hiệu ứng tích cực của dư luận xã hội (4 đơn vị còn lại đã có kế hoạch xét xử trong tháng 9).
Một phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND thị xã Buôn Hồ. Ảnh: TAND tỉnh cung cấp. |
Đơn cử như vào ngày 26/9/2022, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức 4 phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến đối với 4 vụ án hình sự sơ thẩm. Đây là những phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Các phiên tòa được kết nối hệ thống trực tuyến từ điểm cầu trung tâm là hội trường xét xử, TAND TP. Buôn Ma Thuột đến điểm cầu thành phần là hội trường xét xử, Nhà tạm giữ Công an TP. Buôn Ma Thuột. Trong quá trình chuẩn bị, TAND TP. Buôn Ma Thuột nhận được sự phối hợp của Công an TP. Buôn Ma Thuột, Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột; sự giúp đỡ của TAND tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật. Trên cơ sở đó, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành việc xét xử 4 vụ án bảo đảm các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyền tranh tụng của bị cáo và người tham gia tố tụng khác được bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Hữu, qua thực tế triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án. Cụ thể, việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí ra tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ, tạo thuận lợi cho lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp vì không phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến tòa án, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển. Bên cạnh đó, phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa vì lý do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng. Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến còn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ việc, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.
Một phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến tại TAND huyện Ea Súp. Ảnh: TAND tỉnh cung cấp. |
Tuy nhiên, hình thức xét xử này vẫn còn những khó khăn, như: TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh chưa được trang bị những thiết bị chuyên dụng để phục vụ PTTT mà phải tận dụng hệ thống truyền hình của hội nghị trực tuyến qua sự điều phối của Trung tâm Tin học – Vụ Tổng hợp (TAND Tối cao); phải thuê, mượn camera, hệ thống âm thanh, hội trường của đơn vị khác; TAND cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nên còn khó khăn khi triển khai PTTT cũng như các phần mềm, công nghệ mới... Bên cạnh đó, về phía cơ sở giam giữ chưa thể bố trí phòng xử án theo mô hình, chưa có thiết bị, đường truyền để phục vụ PTTT, một số đơn vị không thể kết nối hệ thống mạng nội bộ trong hệ thống an ninh. Ngoài ra, mỗi tháng TAND tỉnh phải dành 3 - 5 ngày và một hội trường xét xử, cử 2 cán bộ trực phục vụ 20 - 30 PTTT cho TAND cấp cao tại Đà Nẵng…
Tại buổi làm việc mới đây với TAND tỉnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã hoan nghênh các đơn vị của TAND tỉnh đã bảo đảm chỉ tiêu ít nhất 3 vụ án xét xử trực tuyến/đơn vị, đồng thời lưu ý đối với TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh là cần tăng thêm các phiên tòa xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính nhằm hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện, giảm bức xúc cho người khởi kiện và áp lực cho người bị kiện…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc