Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo mới trên mạng xã hội

09:17, 13/05/2024

Dư luận mạng xã hội lại xuất hiện những cảnh báo, nhắc nhở người dùng thận trọng với các tài khoản của mình cùng bạn bè, bởi các thủ đoạn “trộm cắp” từ các mạng xã hội ngày một phát tán nhiều hơn.

Một bạn trẻ bán hàng trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh kể lại, sáng hôm đó, trong lúc còn chưa tỉnh ngủ, bạn nhận được tin nhắn của một người bạn thân về khả năng bị lộ thông tin đăng nhập tài khoản mạng xã hội Facebook. Người bạn đó còn khuyên bạn hãy lập tức đổi mật khẩu mới để an toàn.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tin tưởng người bạn thân, bạn trẻ nói trên đã lập tức nhấn vào đường dẫn được gửi qua để đăng nhập tài khoản mạng xã hội của mình. Đột nhiên, trang thông tin đứt liên lạc, sau đó hiện lên một trang trắng. Nghĩ là tín hiệu Internet bị yếu, bạn trẻ bèn đóng trình duyệt để vào lại. Lần đăng nhập thứ hai cũng có dấu hiệu ngưng kết nối rồi ra một trang trắng. Vài phút sau, bạn trẻ ngạc nhiên nhận được tin nhắn từ ngân hàng cho biết tài khoản đã bị rút hết tiền trong đó. Choáng váng, bạn trẻ vội bật điện thoại và nhận thấy mình mất quyền kiểm soát tài khoản Facebook bởi tài khoản này có liên kết với tài khoản ngân hàng, ví điện tử để tiện giao dịch trực tuyến. Lúc đó bạn trẻ hiểu rằng, mình đã vô tình để kẻ gian tấn công thành công qua tài khoản cướp được của người bạn thân.

“Chiêu thức đánh cắp tài khoản người này rồi liên lạc người khác, hỏi vay mượn tiền đã bị lộ, giờ đây kẻ gian chuyển sang nhiều hình thức tấn công khác, trong đó có chiêu thức lừa đăng nhập tài khoản như trên. Đáng lo hơn, còn nhiều trường hợp người bị tấn công không cần đăng nhập tài khoản, chỉ cần bất cẩn bấm vào đường link hacker gửi qua là sẽ bị chiếm tài khoản lập tức vì vốn đã lưu sẵn mật khẩu trên trình duyệt quen dùng. Cứ như thế, nhiều tài khoản sẽ bị đánh cắp và kẻ gian có thể thực hiện nhiều hành vi xấu hơn nữa, trộm tiền trong các tài khoản ngân hàng hoặc lừa những người bạn khác”, anh Trần Xuân H., một tư vấn viên về quản trị Internet VNPT khu vực miền Trung thông tin.

Những ngày gần đây, tình trạng bị tấn công tài khoản tương tự như anh H. miêu tả xuất hiện rất nhiều. Kẻ gian rất khôn khéo chọn những thời điểm bất ngờ nhất, khi nạn nhân đang buồn ngủ, mệt mỏi hoặc phân tâm mới thực hiện tấn công. Có những trường hợp, kẻ gian còn sử dụng cả cuộc gọi video để nạn nhân không đề phòng, và lý do tắt camera vì “trong phòng mình tối quá, bật cam sẽ ảnh hưởng người nhà”.

Theo các nhà tư vấn, trước vấn nạn tấn công tài khoản mạng xã hội ngày một nhiều và tinh vi hơn, người dùng phải hết sức cảnh giác và nên thực hiện các động tác đề phòng sau:

Thứ nhất, không nên lưu mật khẩu tài khoản trên trình duyệt đăng nhập tự động. Định kỳ một tuần hay 10 ngày, người dùng nên tự đổi lại mật khẩu của mình. Nên bật lớp bảo mật cấp 2 với tài khoản mạng xã hội, để kết nối quyền xác nhận lại mật khẩu thay đổi hay dấu hiệu đăng nhập từ một vị trí, thiết bị khác. Như thế, dù có bị bất cẩn tiết lộ mật khẩu, nhấp nhầm vào các đường link gian lận, người dùng cũng có thể phát hiện ra ngay vấn đề.

Thứ hai, mọi tài khoản ngân hàng trực tuyến đăng nhập trên điện thoại nên cần được bảo mật tối đa 2 lớp, sử dụng đăng nhập bằng sinh trắc học (vân tay/nhận diện khuôn mặt) thay vì chỉ dùng các mật khẩu thông thường. Các tài khoản này lưu ý không lưu đăng nhập tự động dù với bất kỳ lý do nào. Việc rút tiền trong tài khoản cũng cần được giới hạn mức tối thiểu với ngân hàng, nhằm tránh bị tấn công lấy sạch tiền trong đó.

Thứ ba, thận trọng, tỉnh táo trong mọi tình huống bị báo xấu về tài khoản. Bởi lẽ, có thể người thông báo lại chính là kẻ gian đã chiếm tài khoản của người thân, bạn bè và sử dụng tài khoản của họ để tấn công chuỗi. Cần có những xác minh lập tức với người thân cảnh báo, tốt nhất là qua điện thoại trực tiếp để trao đổi lại, qua đó cũng có thể cảnh báo, nhắc người thân xử lý tài khoản đã bị tấn công. Đồng thời, không kết nối, đăng nhập vào bất cứ phần mềm, đường dẫn nào từ những nguồn gốc không rõ ràng, từ những người quen không liên lạc thường xuyên từ lâu…

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.