Nắm chắc các nguồn thu, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Với vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh, Sở Tài chính đang tập trung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế cùng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài chính BÙI VĂN YÊN.
♦ Xin ông cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2022?
Trong 7 tháng đầu năm 2022, công tác thu NSNN trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: tổng thu cân đối NSNN thực hiện đến ngày 31/7/2022 là hơn 5.644 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán Trung ương và 68,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu thuế, phí và lệ phí hơn 3.640 tỷ đồng; thu biện pháp tài chính gần 1.802 tỷ đồng; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết hơn 87 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu hơn 115 tỷ đồng.
Đối với công tác chi NSNN, tổng chi cân đối ngân sách địa phương thực hiện 7 tháng đầu năm 2022 là 8.887 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao, 49,5% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 97,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2.567 tỷ đồng, đạt 63,7% dự toán Trung ương giao, 50,2% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 78% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên hơn 6.319 tỷ đồng, đạt 50,78% dự toán Trung ương giao, 50,68% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 96,2% so với cùng kỳ năm trước.
♦ Thưa ông, để triển khai nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm 2022, Sở Tài chính đã đưa ra những giải pháp chủ yếu nào?
Dự báo trong 5 tháng cuối năm 2022, bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức. Sở Tài chính cùng với các cơ quan, đơn vị trong ngành tài chính đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp, như: tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2022; tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn tỉnh để có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu, phấn đấu thu vượt dự toán năm 2022 đã được HĐND tỉnh giao. Cùng với đó là điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán một cách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch về tài chính, NSNN; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, minh bạch, thuận tiện và thống nhất, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế; giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và người dân; tiếp tục thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Bông hướng dẫn hộ kinh doanh nộp thuế điện tử. |
♦ Để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong thời gian tới Sở Tài chính sẽ chủ động trong công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm chắc các nguồn thu NSNN trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nguồn thu từ các dự án mới, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió. Đồng thời, tăng cường dự báo, phân tích những khó khăn, thách thức có tác động đến công tác thu ngân sách để kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đảm bảo linh hoạt, chủ động, thích ứng kịp thời trong điều kiện mới; thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, phối hợp đẩy nhanh việc đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; chuyển kịp thời vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng chính sách vay theo kế hoạch. Đặc biệt là phối hợp với các sở, ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
♦ Xin cảm ơn ông!
Khả Lê (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc