Vất vả nghề hái cà phê thuê
Cứ vào tháng 11 đến tháng 12 dương lịch hàng năm, mùa gió chướng bắt đầu là thời điểm bước vào vụ cà phê Tây Nguyên, nông dân lại tất bật từ sáng sớm đến tối mịt trên rẫy để thu hoạch. Đây cũng là lúc những lao động tự do tranh thủ đi làm công để có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc hái cà phê thuê.
Những ngày này, Tây Nguyên bỗng trở lạnh, trên đôi giày đã ngả màu, bộ quần áo lao động cũ, người hái cà phê thuê co ro trong thời tiết lạnh giá nhưng lại vui mừng phấn khởi vì được nhận thành quả sau một ngày lao động. Mỗi ngày, họ nhận được từ khoảng 200 - 400 nghìn đồng. Đôi bàn tay trầy xước, giọt mồ hôi nhễ nhại trên những gương mặt để lo cho cuộc sống đầy khó khăn và cái tết cận kề...
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Đắk Lắk ghi lại công việc của những người hái cà phê thuê:
Từ 5 giờ sáng, hai mẹ con H’Biết Tơr (buôn Tơ Lâng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đã kéo bạt, rục rịch trong rẫy để bắt đầu công việc hái cà phê thuê của mình. |
“Công việc hái cà phê thuê gắn bó với tôi hơn cả đời người. Từ bé gia đình khó khăn nên tôi theo bố mẹ phụ hái. Đến bây giờ, khi lấy chồng sinh con vẫn tiếp tục công việc này để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, chị H’Biết bộc bạch. |
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Y Hưng Tơr (SN 2004, con trai bà H’Biết Tơr) đã phải nghỉ học từ năm lớp 5 để đi hái cà phê thuê cùng mẹ. |
Cũng giống như anh trai mình, em H’Nga Tơr (SN 2006) đã bỏ học từ năm lớp 4 phụ giúp mẹ chăm các em và hái cà phê thuê. Vì thân hình nhỏ bé không thể với tới những cành cao nên em được mẹ và anh nhường công việc nhẹ hơn là nhặt bỏ lá cà phê sau khi hái xong. |
Chị Lê Ngọc Thành (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) đã có “thâm niên" hơn 10 năm đi hái cà phê thuê. Theo chị Thành, mùa thu hoạch cà phê diễn ra trong vòng từ 2 - 2,5 tháng nên tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập. Năm nay, chị nhận hái công với giá 220 nghìn đồng/ngày và được chủ rẫy bao ăn cơm trưa. |
Vì hoàn cảnh khó khăn, đầu năm học không có tiền đóng học phí cho đứa con học lớp 6 nên chị H’Chem Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã ứng trước tiền của chủ rẫy cà phê. Đến mùa thu hoạch, chị đi hái thuê để trả nợ. |
Gia đình chị H’Vai Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) không có đất sản xuất, cứ đến mùa cà phê chín, hai vợ chồng lại tranh thủ đi hái thuê kiếm thêm thu nhập sắm sửa cho cái tết cận kề. |
Trong số công nhân hái thuê tại rẫy, anh Y Zai Knul (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là thanh niên trẻ khỏe nhất nên được đảm nhiệm công việc leo trên những ngọn cà phê cao gấp ba lần người để hái. Y Zai cho hay, học hết lớp 9 là ở nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy và tranh thủ vào vụ thu hoạch cà phê đi hái thuê kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. |
“Đối với người hái cà phê, bao tay là vật không thể thiếu. Nó giúp tay người hái không bị trầy xước, chai sạn”, chị Aduôn Niêu (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay. |
Công việc nặng nhọc nhất của quá trình thu hái là kéo bạt. Càng hái về cuối hàng, những tấm bạt cà phê càng nặng trĩu nên cần phải có sự góp sức của 2 - 3 người mới kéo nổi. |
Khi hái xong một hàng, người thu hái sẽ kéo bạt đựng quả cà phê ra một chỗ trống để lọc bỏ lá… |
…sau đó trút quả cà phê vào bao. |
“Người đi hái công không chỉ tuốt quả mà còn phải kéo bạt, tuồn cà phê vào bao rồi phụ chủ vườn vác ra xe để chở về nhà nên đòi hỏi phải có sức khỏe mới làm được”, anh Y Vơ Lét Êban (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) chia sẻ. |
Công việc hái cà phê thuê thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ chiều nên người lao động thường ăn trưa, nghỉ ngơi tại rẫy. Đây là thời gian họ vui vẻ nhất vì được nghỉ ngơi, rôm rả chuyện trò cùng nhau. |
Cuối buổi hái, cà phê được đóng vào bao cẩn thận để mang về nhà. |
Cà phê sau khi thu hoạch được xay thô hoặc để nguyên quả phơi trên nền sân xi măng. Có một số nông hộ phải thuê cả người thực hiện công việc này do khối lượng cà phê lớn và nhiều công đoạn. |
Khánh Huyền – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc