Tin tưởng, kỳ vọng về sự phát triển của thị trấn Pơng Drang
Ngày 21/4, xã Pơng Drang chính thức trở thành thị trấn Pơng Drang của huyện Krông Búk. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là niềm vui to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
♦ Bà H’Wil Mlô, người dân tổ dân phố Ea Tút (thị trấn Pơng Drang): Tự hào trước sự đổi thay của quê hương
Những ngày này, trên mọi nẻo đường, trụ sở cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các khu dân cư đều đồng loạt treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Pơng Drang lên thị trấn. Đây cũng là niềm vui to lớn của người dân chúng tôi.
Sự đổi thay dễ dàng nhận thấy ở nơi tôi sinh sống là con đường nhỏ, gồ ghề trước cửa nhà nay đã là đường bê tông phẳng phiu, xanh - sạch - đẹp khi hai bên đường được trồng các loại hoa. Nhiều tuyến đường giao thông, cụm công nghiệp, trường học, trạm y tế, nhà cửa... trên địa bàn thị trấn cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ dân đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế nhiều diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp, nhất là cây sầu riêng, mít..., nhờ đó gia đình có thêm nhiều nguồn thu, không bị phụ thuộc vào một loại cây trồng nhất định. Tôi tin tưởng trong chặng đường phát triển tới, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Pơng Drang sẽ đưa ra được những quyết sách, biện pháp đột phá trong thực hiện quy hoạch để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển, xứng tầm đô thị trung tâm huyện.
♦ Ông Y Bhiu Mlô, nguyên Chủ tịch UBND xã Pơng Drang (từ 1979 – 1990): Quan tâm, xây dựng hạ tầng giao thông
Hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất Pơng Drang, tôi cảm nhận được rõ rệt sự đổi thay của quê hương. Từ xã lên thị trấn là nguyện vọng từ lâu của người dân. Việc lên thị trấn không chỉ đơn thuần là nâng cấp đơn vị hành chính mà địa phương sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông, công trình công cộng. Từ đó, người dân cũng được thụ hưởng nhiều tiện ích, dịch vụ.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, Pơng Drang hiện nay đã mang một diện mạo mới. Song, hiện nay hệ thống giao thông của thị trấn vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường trong khu dân cư đã xuống cấp, chưa được cứng hóa. Tôi mong rằng thời gian tới, bằng nội lực và sự huy động các nguồn lực, thị trấn sẽ quan tâm, đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông. Đồng thời chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho nhân dân...
♦ Ông Nguyễn Văn Thành, nhân viên Công ty TNHH Thương mại Quang Luận (thị trấn Pơng Drang): Thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển
Với lợi thế nằm ngay trung tâm thị trấn, thời gian qua việc buôn bán, kinh doanh của công ty diễn ra khá sôi động. Công ty đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sau khi lên thị trấn, điều tôi mong muốn là chính quyền địa phương sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển; thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, có những cơ chế chính sách, khuyến khích các tiểu thương, thành phần kinh tế đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đa dạng ngành nghề, dịch vụ trên địa bàn. Điều này không chỉ tạo cho thị trấn Pơng Drang một diện mạo khang trang với nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh mà còn có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
♦ Anh Y Din Niê, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Pơng Drang: Có cơ chế phát triển du lịch cảnh quan gắn với nông nghiệp
Những năm qua, xã Pơng Drang nói riêng và huyện Krông Búk nói chung đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Địa phương có nhiều tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác. Tôi hy vọng sau khi lên thị trấn, Đảng ủy, chính quyền địa phương sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp... Đây là những mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân địa phương, vừa hình thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường.
♦ Ông Y Hoen Kbuor, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Ea Tút (thị trấn Pơng Drang): Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Pơng Drang bây giờ khác xưa nhiều lắm. Hạ tầng khang trang, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Khi kinh tế ổn định, việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào tại địa phương cũng thuận lợi hơn.
Tổ dân phố Ea Tút có 283 hộ, với 1.300 nhân khẩu (đồng bào Êđê chiếm hơn 50%). Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2017 đến nay, tổ dân phố đã cứng hóa 4 tuyến đường với chiều dài 2 km. Trong đó, người dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp tiền mặt và ngày công giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được người dân tích cực hưởng ứng, nhiều hủ tục, mê tín dị đoan đã được xóa bỏ.
Là Bí thư chi bộ, tôi tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên trong sản xuất bằng chính nội lực của mình; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội…
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc