Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về người thầy giáo anh hùng

16:19, 28/11/2024

Tháng 11/2024 này vừa tròn 10 năm thầy giáo, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Hà Công Văn, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Đakrông (Quảng Trị) ra đi.

10 năm đã qua, nhưng câu chuyện về thầy Hà Công Văn vẫn được nhắc, được kể trong những bản làng rẻo cao, trong tâm tình của đồng nghiệp. Nhớ đến thầy chính là một cách tri ân những cống hiến trọn đời của thầy cho giáo dục vùng cao Quảng Trị.

Còn nhớ, đó là ngày cuối tháng 11 của 10 năm trước, thầy Hà Công Văn vào xã A Bung (huyện Đakrông) thăm một người bạn và trên đường về nhà, do mưa to che khuất tầm nhìn, thầy không nhìn thấy một lượng đất đá bị sạt lở giữa đường nên đã ngã xuống rãnh thoát nước gần đó bất tỉnh, sau đó mất trên đường chuyển tuyến vào Bệnh viện Trung ương Huế. Cũng rất lạ khi một người thầy tận hiến với vùng cao lại chọn ngày ra đi vào đúng ngày cuối cùng của “tháng nhà giáo”. Và nơi thầy ngã xuống vì tai nạn cũng là vùng đất thầy đã gắn bó suốt 37 năm của đời nghề.

Hơn 30 năm trước, khi lần đầu gặp thầy Văn giữa heo hút rừng xa, những câu chuyện đời được thầy rỉ rả kể đã in sâu vào ký ức nghề nghiệp của tôi.

Cứ hình dung gần 40 năm trước, một sáng tháng 9/1977, người giáo sinh trẻ quê tận Quảng Bình, vừa tốt nghiệp trường sư phạm nhận quyết định điều động lên dạy học ở Tà Long, một xã vùng cao Tây Quảng Trị. Tà Long ở đâu thầy cũng không biết. Với chiếc ba lô lính đựng đúng một bộ đồ, mấy cuốn sách, thầy Văn lội bộ mấy chục cây số đường núi tìm đường đến Tà Long. Nhiều thế hệ thầy cô giáo cũng đã lên đây; khác chăng là đa số thầy cô sau vài năm “nghĩa vụ” lại về xuôi, còn thầy Văn, kể từ buổi sáng tháng 9/1977 ấy cho đến cuối đời, đã có hơn 37 năm gắn bó đời mình với miền Tây Quảng Trị, gắn bó với núi rừng, gieo chữ cho bao thế hệ con em dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở đây. Hơn cả một giáo viên, thầy Văn như là ông, là bố của những học trò vùng cao nghèo khó.

Bây giờ đường Hồ Chí Minh đã thênh thang chạy ngang qua các bản làng, còn hơn 40 năm trước, chỉ vẹt lau lách mà đi. Một lần chị Tuyên, vợ của thầy Văn từ Quảng Bình vào thăm chồng. Chị vào tới Tà Long, thấy một người mang gùi cầm rựa từ núi xuống, chị hỏi đường về trường của chồng mình. Người đàn ông chỉ dẫn cụ thể, chị Tuyên theo đó về khu tập thể giáo viên đợi chồng. Anh em giáo viên bảo chị ngồi đợi, thầy Văn đang lên nương. Chốc sau thì thầy về, hóa ra người đàn ông mang gùi lúc nãy chỉ đường cho chị chính là thầy Văn. Thầy nhận ra vợ mình nhưng chị Tuyên thì không thể nhận ra chồng, cũng tại thầy muốn đùa, nói bằng tiếng Pa Kô mà thầy đã thạo như tiếng mẹ đẻ. Chị Tuyên ôm chồng khóc! Chị Tuyên bảo chồng: Dạy đủ thời gian “nghĩa vụ” trên miền núi thì xin chuyển về quê! Thầy Văn chỉ ậm ừ. Chị Tuyên không biết rằng lẽ ra chồng mình đã được chuyển về, nhưng trong trường có một thầy giáo bị sốt rét, rụng hói hết tóc, nên thầy Văn “nhường” suất về xuôi cho anh bạn đồng nghiệp, còn mình tình nguyện ở lại.

Thầy Hà Công Văn ở Húc Nghì hơn 20 năm trước.

Tròn 10 năm gắn bó xây dựng trường Tà Long ổn định, đến năm 1987 thầy Văn được điều về trường Húc Nghì, một nơi còn gian khó hơn cả Tà Long. Cũng từ đây, thầy đã sáng tạo ra mô hình “nội trú dân nuôi” mà bây giờ đang được coi như một giải pháp để học sinh miền núi có thể theo học.

Một lần vào bản Cựp, một bản heo hút giáp biên giới thuộc xã Húc Nghì, có đứa bé cứ quấn lấy thầy, bố đứa bé bảo: Nhờ thầy mang nó ra ngoài trường dạy chữ cho nó. Đấy là thằng cu Mắt. Khi trở lại Húc Nghì thăm thầy Văn, thấy đứa bé cùng ăn trưa với vợ chồng thầy, hỏi ra chúng tôi mới biết chuyện cu Mắt. Rồi không chỉ một em bé cu Mắt kia, những bản xa, các điểm trường chỉ dạy tới lớp 1, lớp 2, muốn học lớp 3, lớp 4, lớp 5 phải ra trung tâm xã học. Và thầy Văn vận động bà con đốn cây dựng lều cho các em có chỗ ở, thầy trò cùng lội suối bắt cá, lên nương trồng rau, cuối tuần băng rừng về nhà xin thêm gạo, nếu thiếu nữa, thầy cô sẽ cùng san sẻ. “Nội trú dân nuôi” đã bắt đầu như thế ở Húc Nghì gần 20 năm trước rồi dần dần lan rộng ra nhiều nơi khác.

Và không dừng lại ở đó, khi những đứa học trò học xong tiểu học mà chưa có trường cấp 2, chính thầy Văn đã nghĩ ra chuyện mở “lớp nhô”, nghĩa là các em sẽ học lớp 6, lớp 7 do chính các thầy cô cấp 1 dạy trong lúc chờ mở trường cấp 2. Thầy Văn bảo: Đưa được các em ra đây học hết lớp 5 là cả một nỗ lực, nếu không cho các em học tiếp lớp nhô cấp 2, trở về bản chờ cho có trường cấp 2 thì vài năm sau kiến thức, chữ nghĩa đã dạy cho các em mấy năm tiểu học coi như sẽ về số “mo”! Vậy là thầy cứ làm, cũng chả phải gọi mô hình hay hình mẫu gì, miễn là các em được học lên, được nối dài con đường học vấn. Nhờ “nội trú dân nuôi”, nhờ “lớp nhô” mà hàng trăm em bé Pa Kô, Vân Kiều đã đi xa hơn, học tiếp trung học phổ thông ở trường nội trú tỉnh và vào được đại học, bây giờ, nhiều học trò của thầy Văn đã trở thành những cán bộ nòng cốt ở rẻo cao quê nhà.

Hết lòng chăm lo cho những đứa trẻ vùng cao Quảng Trị như thế nhưng ít ai biết nỗi đau của thầy Văn. Khi thầy sống heo hút chốn núi rừng ấy, đứa con trai út của thầy ở quê nhà bị bạo bệnh ra đi mà thầy không kịp về lo cho con, khi nhận được tin tìm về quê thì đứa con trai tội nghiệp đã lặng im trong đất!

Mười năm kể từ khi thầy Văn ra đi, trong tôi vẫn chưa nguôi mơ ước về một tượng đài tri ân những thầy cô cắm bản. Sự hy sinh của các thầy cô nơi rẻo cao này quá lớn lao, bởi không chỉ là cuộc đời, tuổi xuân họ dâng hiến cho rẻo cao mà còn có rất nhiều thầy cô đã mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng, chết vì sốt rét, vì lũ cuốn.

Tôi hình dung nguyên mẫu của bức tượng sẽ là hình ảnh thầy Hà Công Văn tay cầm sách, tay cầm rựa, sau lưng đeo gùi và vây quanh thầy là những đứa học trò rẻo cao…

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc